Nhân vật & Sự kiện

Bất chấp Covid-19 điện ảnh Trung Quốc tiếp tục tiến lên

30/11/2020

Từ sự mở rộng bền vững từ 2016 tới 2019 và sự phục hồi tiềm năng sau COVID-19 năm nay, ngành điện ảnh Trung Quốc đã thể hiện một sức sống mạnh mẽ, với việc đất nước này mới đây trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới tính về doanh thu phòng vé.

Bất chấp đột ngột đóng sập do đại dịch, kể từ khi các rạp chiếu Trung Quốc mở lại ngày 20/7, doanh thu vé năm nay đã đạt 14,28 tỉ tệ (2,13 tỉ USD) tính đến 28/10, vượt Bắc Mỹ và đảm bảo vị thế Trung Quốc là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới kể từ giữa tháng 10, theo trang theo dõi thông tin điện ảnh Beacon.

Bảng quảng cáo phim My People, My Homeland tại Quảng trường Nhân Dân ở Thượng Hải, Trung Quốc

Đa số những người nội bộ trong ngành được China Daily liên lạc đều nói điện ảnh Trung Quốc hồi phục tốt hơn và nhanh hơn họ ước tính, nhờ vào nỗ lực kiểm soát COVID-19 của nước này.

Giả Chương Kha, một trong những đạo diễn Trung Quốc được công nhận quốc tế nhất, nói: “Trong năm năm qua, sản xuất phim Trung Quốc đã từ từ tăng lên mỗi năm, và doanh thu hằng năm đã tăng trưởng đáng kể từ 2016 tới 2019. Là một thị trường khá lớn, Trung Quốc hiện rất hấp dẫn với các nhà làm phim và phân phối khắp thế giới.”

Thống kê từ Cục Điện ảnh Trung Quốc, cơ quan quản lý ngành cao nhất của nước này, cho thấy Trung Quốc đã đạt doanh thu 64,3 tỉ tệ năm 2019, tăng 40% so với 45,7 tỉ tệ năm 2016.

Theo Cục Điện ảnh, Trung Quốc đã sản xuất 772 phim điện ảnh năm 2016, con số này tăng lên 798 phim năm 2017 và 902 năm 2018.

Khán giả xếp hàng vào rạp ở Thành Đô

Năm ngoái, con số giảm nhẹ xuống 850. Cùng với một số thể loại khác, bao gồm khoa học giáo dục và tài liệu, lượng phim sản xuất hằng năm của Trung Quốc là 1.037 phim năm 2019.

“Khi tôi bắt đầu làm việc với tư cách nhà làm phim cuối những năm 1990, Trung Quốc chỉ sản xuất khoảng 100 phim một năm,” đạo diễn Giả nói.

“Sự phát triển thần tốc mang đến lựa chọn rộng cho những người đam mê điện ảnh địa phương và đặt nền móng cho nhiều trao đổi quốc tế hơn.”

Thị phần điện ảnh trong nước và doanh thu phòng vé cũng tăng trưởng thần tốc.

Năm 2016, phim nội địa thu về tổng cộng 26,7 tỉ tệ, chiếm 58,3% tổng doanh thu phòng vé. Hai con số này tăng lên 37,9 tỉ tệ và 62,2% năm 2019, cho thấy phim nội địa đã trở nên nổi tiếng hơn trong lòng công chúng yêu điện ảnh trong nước.

Mỗi phim trong những bom tấn doanh thu cao nhất từ 2016 tới năm nay đều là phim nội địa, bao gồm Na Tra năm 2019

Mỗi trong số những phim bom tấn doanh thu cao năm 2016 tới năm nay đều là phim trong nước, bao gồm The Mermaid của Châu Tinh Trì, Wolf Warrior II của Ngô Kinh, Operation Red Sea của Lâm Siêu Hiền, Na Tra của Jiao Zi và The Eight Hundred của Quản Hổ.

Bất chấp các hiệu ứng của đại dịch COVID-19, phim Trung Quốc đã đạt doanh thu 11 tỉ tệ tính đến ngày 15/10, chiếm gần 85% tổng doanh thu, chủ yếu được đẩy lên bởi bộ phim chiến tranh hoành tráng The Eight Hundred và bom tấn Quốc khánh My People, My HomelandKhương Tử Nha.

Đạo diễn Lục Xuyên, được biết đến với City of Life and Death, nói: “Thống kê có thể cho ta biết mọi thứ. Những năm đầu 2000, doanh thu thường niên của Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu thế giới. Nhưng từ năm 2016, đã bắt kịp (với những cái tên hàng đầu thế giới).”

Anh dự đoán, kết quả của cuộc chiến chống lại COVID-19 của quốc gia là các nhà làm phim Trung Quốc sẽ tạo ra những câu chuyện thực tế hơn.

Khách đi đường ngang qua dãy áp phích phim The Eight Hundred ở Thượng Hải ngày 21/9

“Với ký ức chung về nỗ lực của quốc gia để cứu mạng và giảm tử vong, khán giả Trung Quốc sẽ có thể muốn những câu chuyện tích cực hơn,” Lu nói.

Rao Shuguang, chủ tịch Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Trung Quốc, nói điện ảnh Trung Quốc đã đa dạng hóa thể loại, hiệu ứng hình ảnh và cách kể chuyện đã vươn lên một tầm mới, nhờ nhận thức của người xem đã trở nên tinh tế.

Một dàn diễn viên lấp lánh và hiệu ứng đặc biệt không còn đảm bảo thành công thương mại của phim ảnh. Thay vào đó, một câu chuyện cảm động mà khán giả liên hệ được sẽ có khả năng cao thành công ở thị trường nội địa, ông nói.

Các ví dụ bao gồm Dying to Survive, bộ phim thành công năm 2018 nói về những khó khăn của các bệnh nhân với chi phí thuốc thang cao, và phim bom tấn tuổi mới lớn 2019 Better Days, một cái nhìn làm thay đổi nhận thức về bắt nạt học đường.

Better Days, một cái nhìn làm thay đổi nhận thức về bắt nạt học đường

Những ví dụ thành công bao gồm Wolf Warrior II, phim doanh thu cao nhất mọi thời đại của Trung Quốc, làm nổi lên phong trào yêu nước, và Na Tra, phim có doanh thu cao thứ hai kể lại một huyền thoại gia đình từ quan điểm cha mẹ hiện đại.

Với việc các siêu anh hùng và những bom tấn nặng hiệu ứng hình ảnh từ Hollywood tiếp tục là nội dung nhập khẩu hấp dẫn, minh chứng bởi sự nổi tiếng tràn ngập của Avengers 3 và 4, những phim nhập khẩu không phải phương Tây cũng thấy được sự phát triển ở thị trường nội địa, với phim Ấn Độ DangalCapernaum của Libăng là hai ví dụ thành công nhất.

Hợp tác quốc tế

Trong thời đại làng toàn cầu, những trao đổi và hợp tác quốc tế đã trở nên dễ dàng hơn và thường xuyên hơn. Trải từ quay những phim hợp tác tới tuyển dụng tài năng nước ngoài và khám phá thị trường quốc tế sâu hơn, ngành điện ảnh Trung Quốc đã vận cơ bắp để tìm kiếm sự hiện diện lớn hơn trong không gian điện ảnh thế giới.

Những con số mới nhất cho thấy Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác điện ảnh với 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, Pháp, Nga, New Zealand, Nhật Bản và Ấn Độ. Gần 250 xuất phẩm hợp tác được thực hiện từ 2000 tới 2019, 49 phim vượt con số 100 triệu tại phòng vé, theo Công ty Hợp tác Điện ảnh Trung Quốc.

Đạo diễn người Anh Simon West (giữa), trên trường quay Skyfire năm 2019

Giám đốc điều hành China Film Liu Chun nói việc các hãng phim Trung Quốc ra nước ngoài để ghi hình hay mời các nhà làm phim quốc tế tham gia những dự án nội địa, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, hiệu ứng và đạo diễn, đã phổ biến hơn trong những năm gần đây.

Những dự án như vậy đã thu hút được sự chú ý của các nhà làm phim thế giới như nhà làm phim Đan Mạch hai lần thắng giải Cành Cọ Vàng Bille August, đạo diễn bộ phim Thế chiến II The Chinese Widow, với Lưu Diệc Phi năm 2017, và đạo diễn người Anh Simon West – được biết đến ở Trung Quốc với Lara Croft: Tomb Raider – đạo diễn bộ phim thảm họa, Skyfire, năm 2019.

Được tài trợ bởi những phim kinh phí lớn hay bị thu hút bởi hương vị ngoại quốc, nhiều đạo diễn Trung Quốc đã ra nước ngoài để quay những cảnh chính, như trong loạt Detective Chinatown của Trần Sĩ Thành với ba phân cảnh quay ở Bangkok, New York và Tokyo.

Nhưng vì thế giới vẫn đang chiến đấu với đại dịch, Liu nói công ty đã nhận được đăng ký cho 41 dự án hợp tác nhưng chưa dự án nào bắt đầu khởi quay cả.

Một cảnh trong phim Detective Chinatown 3 quay ở Tokyo

Vu Đông, sáng lập và chủ tịch hãng phim trụ sở Bắc Kinh Bona Film Group, cho biết sự bùng phát đột ngột của COVID-19 có ảnh hưởng lớn đến ngành điện ảnh Trung Quốc. Ông ước tính khoảng 10.000 công ty điện ảnh Trung Quốc nhỏ và trung bình đã đóng cửa.

Nhưng ông cũng chỉ ra một “phép nhiệm màu” cho điện ảnh Trung Quốc thử đột phá ở nước ngoài, khi ông tin rằng việc mang phim mới ra toàn cầu sẽ đáp ứng sự thiếu hụt do Hollywood còn đang hì hục phục hồi.

Vu Đông gợi ý các công ty Trung Quốc nên mở rộng mạng lưới phân phối ra nước ngoài, và ông hy vọng các nhà làm phim nội địa có thể sản xuất nhiều phim có ảnh hưởng hơn, biến khủng hoảng thành một cơ hội và giúp nhiều câu chuyện Trung Quốc hơn tiếp cận người xem ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Nhớ lại ông từng thấy những phim lớn của Trung Quốc – như bom tấn hoạt hình Na Tra – được chiếu trên một trang phim lậu ở London, Vu Đông kêu gọi cơ quan chức năng đối phó nạn phim lậu và nâng tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền.

Jason Statham (phải) và Lý Băng Băng tại sự kiện ra mắt The Meg

Nhưng với đa số người trong ngành, trở ngại hàng đầu của hợp tác quốc tế đã tồn tại nhiều thập kỷ là khó khăn về kiểu câu chuyện như thế nào có thể tương tác với khán giả có nền tảng văn hóa khác nhau.

Cùng với Kung Fu Panda 3 là hai phim hợp tác quốc tế thành công thương mại nhất trong năm năm qua, The Meg – phim khoa học giả tưởng kinh dị với sự tham gia của Jason Statham và Lý Băng Băng – đạt doanh thu 530 triệu USD toàn cầu, với 1,05 tỉ tệ thu về ở Trung Quốc đại lục.

Đạo diễn Lục Xuyên, làm việc cho Disneynature để đạo diễn xuất phẩm hợp tác năm 2016 Born in China, nói rằng thành công toàn cầu của Hollywood được dựng trên việc sử dụng tài năng và nguồn lực khắp thế giới.

“Nếu Trung Quốc muốn hiện thực hóa việc toàn cầu hóa phim sản xuất nội địa, chúng ta cần phải hợp tác nhiều hơn với tài năng quốc tế. Các liên hoan là một cách hay để tăng cường những trao đổi kiểu vậy và tạo ra các cơ hội,” ông bổ sung.

Trung Quốc là thị trường đầu tiên hồi phục hoàn toàn phòng vé, theo hãng phân tích Gower Street của Anh vào ngày 27/8

Xây rạp chiếu ồ ạt

Nước này đã triển khai 41.179 màn chiếu tới cuối năm 2016, vượt Hoa Kỳ trở thành quốc gia có số màn chiếu lớn nhất toàn cầu.

Cục Điện ảnh Trung Quốc đã phát hành chỉ dẫn năm 2018, khuyến khích các công ty đẩy mạnh xây dựng rạp chiếu ở các khu vực đô thị, cũng như khuyến khích về mặt tài chính để các rạp chiếu nâng cấp cơ sở vật chất với các công nghệ đỉnh cao nhất, từ màn chiếu khổng lồ tới máy chiếu laser.

Trước khi các rạp chiếu Trung Quốc đóng cửa do COVID-19 ngày 24/1 và mở lại ngày 20/7, gần 70.000 màn chiếu đã được lắp đặt ở hơn 10.000 rạp, với đa số có thể chiếu được phim định dạng 3D.

Nhà cải cách công nghệ giải trí Imax đã thấy mạng lưới màn chiếu khổng lồ của mình mở rộng từ 381 năm 2016 lên 670 màn chiếu hiện tại ở Trung Quốc đại lục.

The Wandering Earth trên màn ảnh cực rộng

Đa số nhà phân tích tin rằng số lượt người đi xem phim rạp hằng năm ở Trung Quốc, đạt 1,7 tỉ năm 2019, cho thấy đất nước này có tiềm năng lớn để thu hút thêm nhiều người xem hơn nếu nhiều rạp chiếu được thiết lập ở vùng trung và tây Trung Quốc.

Những người trong ngành đã để ý thấy một xu hướng thú vị trong xây dựng rạp chiếu ồ ạt.

Chỉ một phim thành công hiện tượng có thể kích thích các rạp chiếu nâng cấp lên các công nghệ điện ảnh mới nhất, với việc siêu phẩm khoa học viễn tưởng của James Cameron Avatar là một ví dụ đại diện nhất. Với công nghệ đột phá 3D và ghi hình chuyển động, bộ phim – phát hành ở Trung Quốc tháng 1/2010 – thu hút người ta xếp hàng dài để mua vé 3D có hạn. Điều này đã tạo động lực để đưa con số màn chiếu 3D ở Trung Quốc lên gấp tám lần chỉ trong vài tháng, China Business News cho biết.

Trong năm năm vừa qua, bộ phim của đạo diễn thắng giải Oscar Lý An Billy Lynn's Long Halftime Walk (2016) và Gemini Man (2019) – cả hai quay ở định dạng 3D 4K với tốc độ khung hình cực cao 120 khung hình một giây (chuẩn bình thường là 24) – đã đẩy điện ảnh nội địa đi vào khám phá công nghệ hơn nữa.

CINITY, làm cho cảnh trông rõ hơn và sáng hơn, đến giờ đã chiếu hơn 30 phim và được thiết lập ở khoảng 40 rạp chiếu

Các phim này mở ra thị trường cho CINITY, một hệ thống màn ảnh rộng do Huaxia Film Distribution, một trong những hãng phim lớn nhất Trung Quốc phát triển.

CINITY, làm cho cảnh trông rõ hơn và sáng hơn, đến giờ đã chiếu hơn 30 phim và được thiết lập ở khoảng 40 rạp chiếu. Trong năm năm tới, hệ thống dự kiến thiết lập ở hơn 800 rạp chiếu nội địa và 300 rạp nước ngoài.

Fu Ruoqing, phó chủ tịch China Film Co Ltd kiêm chủ tịch Huaxia Film Distribution, nói rằng ông tin, “Một bộ phim hay ắt là dành cho màn ảnh rộng.”

Ông cũng thêm vào rằng phát trực tuyến không thể thay thế trải nghiệm xem rạp.

Một khán giả đứng nhìn áp phích phim Khương Tử Nha trong một rạp chiếu ở Trung Quốc

Với ảnh hưởng của COVID-19 dự kiến sẽ còn kéo dài một thời gian nữa, nhiều người có kinh nghiệm tin rằng ngành điện ảnh Trung Quốc sẽ loại bỏ những kẻ đầu cơ, giảm những khoản đầu tư chỉ vì lợi nhuận và chuyển sang những sáng tạo chất lượng, cũng như sản xuất nhiều phim có chủ đề hiện thực.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily