Nhân vật & Sự kiện

12 phim châu Á có ảnh hưởng văn hóa đại chúng toàn cầu lớn nhất

09/11/2020

Bên cạnh việc thắng giải Oscar vào đầu năm nay, Parasite cũng đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới đến, ngạc nhiên là, món ram-don biến một món ăn Hàn Quốc ít được biết đến trước đây trở thành một hiện tượng quốc tế.

Chúng ta cùng xem những phim châu Á khác đã có những tác động độc đáo — và đôi khi là ngoài ý muốn — đối với văn hóa đại chúng toàn cầu.

1. Godzilla (1954)

Hậu trường Godzilla

Được công ty sản xuất Toho của Nhật Bản phát hành lần đầu vào năm 1954, Godzilla nổi tiếng khắc họa một con quái bò sát biển khổng lồ trỗi dậy từ đại dương sâu thẳm do bức xạ từ cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử của quân đội Hoa Kỳ.

Con quái vật sừng sững trên các tòa nhà của Tokyo và phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Chủ đề kinh dị và nỗi sợ hãi của bộ phim gây được tiếng vang lớn với khán giả khi ký ức về thảm họa hạt nhân, chiến tranh và tai ương tiếp tục ám ảnh mọi người trên toàn thế giới. Phim đã trở thành một thương hiệu nhượng quyền dài hạn, với việc Toho phát hành 32 phim Godzilla và Hollywood sản xuất bốn phim làm lại. Phần mới nhất, Godzilla V Kong, sẽ được Warner Brothers phát hành năm sau — có sự tham gia của các diễn viên Alexander Skarsgård, Millie Bobby Brown và Chương Tử Di.

Ngoài điện ảnh, con quái vật vẫn tiếp tục xâm lấn tiềm thức toàn cầu của chúng ta. Tên của Godzilla thường được tham chiếu khi gắn “zilla” vào cuối một từ để nhấn mạnh sức mạnh hoặc hành vi quái dị và phá hoại. Đáng chú ý nhất, chương trình truyền hình thực tế Bridezilla trên kênh truyền hình WE ghi lại những hành vi quá khích và đòi hỏi của các cô dâu trước ngày trọng đại của họ. Tên của trình duyệt mạng mở Mozilla Firefox cũng là một dấu hiệu cho thấy sinh vật biển khét tiếng này.

Godzilla thường được nhắc đến trong các phim và chương trình truyền hình như Austin Powers in Goldmember, Ted 2The Simpsons, trong đó con quái vật xuất hiện nhiều lần. Nhân vật này cũng dễ nhận biết đến nỗi ngay cả những phim hoạt hình dành cho trẻ nhỏ cũng đề cập trực tiếp đến nó, bao gồm Rugrats in Paris: The Movie, giới thiệu một robot bò sát cỡ lớn đi lang thang ở thủ đô nước Pháp. Người đàn ông bánh gừng khổng lồ và quái dị của Shrek 2 cũng liên quan tới Godzilla.

Loài bò sát hư cấu cũng trở thành nàng thơ cho các nhạc sĩ — đầu năm nay Eminem đã phát hành đĩa đơn Godzilla, hiện đang giữ kỷ lục rap nhanh nhất. Ở lời thứ ba của ca khúc, Eminem đọc được 224 từ trong 30 giây.

Con quái vật đã có ngôi sao riêng trên Đại lộ Danh vọng Hollywood kể từ năm 2004, khi nó được cấp một ngôi sao để đánh dấu sinh nhật lần thứ 50.

2. Enter The Dragon / Long tranh hổ đấu (1973)

Lý Tiểu Long trong Enter the Dragon

Được nhà phê bình điện ảnh huyền thoại Peter Bradshaw mệnh danh là phim võ thuật hay nhất mọi thời đại, Enter the Dragon đã củng cố địa vị của Lý Tiểu Long thành một huyền thoại điện ảnh. Phim đã thu hút sự quan tâm toàn cầu đối với võ thuật Trung Quốc và thúc đẩy việc nhập khẩu hàng loạt phim võ thuật vào Hoa Kỳ, sau đó được lồng tiếng Anh cho khán giả phương Tây.

Enter the Dragon không chỉ cách mạng hóa chân dung người châu Á trên các phương tiện truyền thông phương Tây, với việc Lý Tiểu Long đảm nhận vai chính trong một xuất phẩm của Hollywood, mà còn khởi động “cơn sốt kung fu” những năm 1970, đã chứng kiến các hãng phim Hồng Kông sản xuất và phát hành hàng tá những phim tiếp cận ngày càng nhiều với khán giả quốc tế.

Ảnh hưởng của bộ phim đã vượt ra ngoài màn ảnh, truyền cảm hứng cho nhiều trò chơi điện tử võ thuật, gồm cả những trò chơi nổi tiếng như Street FighterMortal Kombat, vốn vay mượn các yếu tố cốt truyện từ phim. Tác giả của Dragon Ball, Akira Toriyama cũng nhắc đến Enter The Dragon là nguồn cảm hứng đằng sau loạt manga và anime Nhật Bản thành công của ông. Trong thế giới âm nhạc, nhóm nhạc hip-hop Wu-Tang Clan cũng tôn vinh phim mang tính biểu tượng này của Lý Tiểu Long với album đầu tay Enter the Wu-Tang (36 Chambers), đã được giới phê bình hoan nghênh.

Phim cuối cùng của Lý Tiểu Long Game of Death / Tử vong du hýcũng đáng được nhắc đến vì đã khắc họa nam diễn viên trong bộ áo liền quần màu vàng và đen nay vẫn nổi tiếng mà anh đã mặc để đấu với nam diễn viên kiêm vận động viên bóng rổ Kareem Abdul-Jabbar. Sự xuất hiện của vận động viên ngôi sao người Mỹ trong một phim Hồng Kông có ý nghĩa về mặt văn hóa và nêu bật tác động toàn cầu của nền võ thuật châu Á. 30 năm sau, một phiên bản biến đổi của bộ áo liền quần mang tính biểu tượng của Lý Tiểu Long đã được Uma Thurman mặc trong phim võ thuật và tội phạm ly kỳ của Mỹ Kill Bill: Vol. 1, do Quentin Tarantino biên kịch và đạo diễn.

3. Drunken Master / Túy quyền (1978)

Thành Long trong Drunken Master

Drunken Master đã củng cố sự nghiệp của Thành Long là một diễn viên võ thuật hài của châu Á. Phim đã phổ biến phong cách chiến đấu ‘túy quyền’ mang tính biểu tượng của Thành Long, mà nam diễn viên tiếp tục sử dụng trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình. Phong cách chiến đấu đã nhiều lần được nhân rộng trong các loạt phim thành công của Hollywood bao gồm phim hài Rush Hour về bộ đôi cảnh sát với Chris Tucker, và Shanghai NoonShanghai Knights với Owen Wilson.

Giống như Enter the Dragon của Lý Tiểu Long, Drunken Master của Thành Long cũng là nguồn cảm hứng chính cho tác giả của Dragon Ball, Akira Toriyama, đặc biệt là cảm hứng cho tên của nhân vật Jackie Chun, người cũng sử dụng phong cách chiến đấu ‘túy quyền’. Phim cũng ảnh hưởng đến một số trò chơi điện tử võ thuật trong nhiều thập kỷ sau đó, bao gồm trò chơi PlayStation Jackie Chan StuntmasterStreet Fighter X Tekken, cả hai đều sử dụng phong cách chiến đấu phổ biến của Thành Long.

4. A Better Tomorrow / Bản sắc anh hùng (1986)

Châu Nhuận Phát trong A Better Tomorrow

Bộ phim mang tính bước ngoặt của Hồng Kông này được cho là đã khởi đầu cho thể loại anh hùng đổ máu và mở đầu cho số lượng lớn các phim hành động và đề tài tay ba trong điện ảnh Hồng Kông. A Better Tomorrow là vai diễn đột phá của nam diễn viên Hồng Kông Châu Nhuận Phát và giúp củng cố sự nghiệp của Ngô Vũ Sâm với tư cách là một đạo diễn được săn đón.

Sự nổi tiếng của bộ phim ở châu Á đã dẫn đến hai phần tiếp theo ở Hồng Kông, một bản làm lại của Hàn Quốc vào năm 2010 và một bản làm lại của Trung Quốc Đại Lục vào năm 2018. Phim cũng mở đường cho một bộ ba nổi tiếng khác của Hồng Kông: Infernal Affairs, sau đó được làm lại bởi Hollywood với tên The Departed, phim đã mang về cho đạo diễn Martin Scorsese giải Oscar cho phim hay nhất.

5. The Joy Luck Club (1993)

Dàn diễn viên The Joy Luck Club

Là phim thứ hai do một hãng phim lớn của Hollywood sản xuất với sự tham gia của dàn diễn viên đa số là người châu Á, đã mang đến cái nhìn sâu sắc và đại diện rất cần thiết cho cộng đồng người Mỹ gốc Á. Trước khi phát hành The Joy Luck Club, các diễn viên châu Á thường được xếp vào những vai rập khuôn hoặc bị loại xuống chỉ đóng vai phụ. Phim đã chứng minh cho các nhà sản xuất thấy dàn diễn viên với phần lớn là người Mỹ gốc Á vẫn có thể bán được vé và giúp mở đường cho hiện tượng Crazy Rich Asians năm 2018.

6. Ring (1999)

Samara trong Ring

Phim Nhật Bản Ring được coi là phim kinh dị kinh điển vượt thời gian, thành công cả về mặt phê bình và thương mại trên toàn châu Á. Phim được đón nhận nồng nhiệt đến nỗi truyền cảm hứng cho hai phần tiếp theo và một phần tiền truyện. Phim đã hồi sinh thể loại phim kinh dị Nhật Bản và thu hút sự quan tâm đến điện ảnh kinh dị Nhật Bản trên toàn thế giới, tạo ra thuật ngữ J-Horror ở phương Tây. Kết quả là, Ring đã mở đường cho các phim Nhật Bản nổi tiếng khác như Ju-On: The GrudgeDark Water.

Phim gây được tiếng vang lớn với khán giả quốc tế đến nỗi cũng được làm lại tại Hoa Kỳ vào năm 2002 và đứng đầu phòng vé, cuối cùng đã thúc đẩy một trong những xu hướng đặt tên cho các em bé kỳ dị nhất mọi thời đại: sự bùng nổ của các bé gái tên là Samara ở Mỹ. (Samara đã nhảy từ thứ 929 lên thứ 456 trong các tên phổ biến nhất dành cho các bé gái vào năm 2003, theo Cục An sinh Xã hội Hoa Kỳ, và đạt thứ 256 vào năm 2018.) Phối hợp nhiều thể loại, loạt phim kinh dị hài Scary Movie cũng sử dụng cốt truyện từ Ring vào một phần cốt truyện trung tâm của phần thứ ba vào năm 2003.

7. In the Mood for Love / Tâm trạng khi yêu (2000)

Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ trong In the Mood for Love

Để đánh dấu kỷ niệm 20 năm In the Mood for Love, một phiên bản 4K của bộ phim sẽ được phát hành trong năm nay. Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Intersection năm 1972 của Lưu Dĩ Sưởng, cha đẻ của văn học Hồng Kông hiện đại, bộ phim lãng mạn của Vương Gia Vệ khắc họa cuộc gặp gỡ giữa hai người hàng xóm, những người trở nên thân thiết sau khi phát hiện ra bạn đời của họ ngoại tình.

Phim đã mang về cho Lương Triều Vỹ giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes và được đề cử giải Cành Cọ Vàng. Nhiều đạo diễn và nhà biên kịch trên toàn thế giới kể từ đó đã coi phim là nguồn cảm hứng chính, bao gồm cả Sofia Coppola, đã miêu tả phim có ảnh hưởng đến tác phẩm đoạt giải Oscar Lost in Translation của cô. Barry Jenkins cũng cho biết Vương Gia Vệ và nhà quay phim của In the Mood for Love, Christopher Doyle, cả hai đều truyền cảm hứng cho phim đoạt giải Oscar Moonlight của anh.

Các thiết kế trang phục trong In the Mood for Love của Trương Thúc Bình cũng được nhiều nhà thiết kế xem là nguồn cảm hứng cho các bộ sưu tập của họ. Roberto Cavalli đã nhắc đến phim là nguồn cảm hứng cho chiếc váy bình hoa thời nhà Minh của ông tại triển lãm China: Through the Looking Glass của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, diễn ra vào năm 2015. Và buổi trình diễn thời trang nam xuân hè 2020 của nhà thiết kế Oliver Spencer có trụ sở tại London là sự tôn kính đối với phim này.

8. Crouching Tiger, Hidden Dragon / Ngọa hổ tàng long (2000)

Phim của đạo diễn Lý An, khắc họa sứ mệnh lấy lại thanh kiếm ngọc của một võ sư, đã giành được nhiều đề cử giải Oscar nhất cho phim nói tiếng nước ngoài ngoài Roma năm 2018. Sau khi thắng bốn giải Oscar, phim đã thúc đẩy sự nổi tiếng của phim võ thuật Trung Quốc tại phương Tây, và dẫn đến các phim tiếp theo bao gồm Anh hùngThập diện mai phục, được tiếp thị nhiều cho khán giả phương Tây.

9. Old Boy (2003)

Là trung tâm của bộ ba phim báo thù của đạo diễn Park Chan Wook, Old Boy đã đạt được vị thế nổi tiếng nhờ các cảnh bạo lực đẹp mắt được cách điệu hóa. Phim đã giành được Giải thưởng Ban giám khảo Phim hay nhất tại Liên hoan phim Cannes và thu hút sự chú ý của quốc tế đối với ngành công nghiệp điện ảnh đang phát triển của Hàn Quốc — đặc biệt là phim ly kỳ của đất nước này.

Là phim yêu thích của đạo diễn Quentin Tarantino, người đã cố gắng thuyết phục đồng nghiệp là ban giám khảo Liên hoan phim Cannes trao giải Cành Cọ Vàng cho phim này vào năm 2004, cũng có lúc đã có những cuộc đàm phán về việc đạo diễn Steven Spielberg sẽ làm lại bộ phim với Will Smith sẽ thủ vai chính, mặc dù điều đó đã thất bại. Sau đó phim được làm lại vào năm 2013 bởi đạo diễn Spike Lee với sự tham gia của Josh Brolin và Samuel L Jackson. Old Boy cũng mở đường cho những phim tâm lý ly kỳ khác của Hàn Quốc bao gồm The HandmaidenParasite.

10. Memoirs of a Geisha / Hồi ức của một Geisha (2005)

Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Arthur Golden, phim sử thi của đạo diễn Rob Marshall kể câu chuyện về một cô gái trẻ nghèo khó trở thành geisha nổi tiếng nhất ở Kyoto. Phim đã gây ra tranh cãi về việc chọn các diễn viên Trung Quốc như Chương Tử Di và Củng Lợi vào vai chính, nhưng vẫn giành được ba giải Oscar. Là một phần của chiến dịch tiếp thị đầy tham vọng, phim hợp tác với Banana Republic, hãng đã tung ra dòng sản phẩm áo và váy kiểu kimono, và thương hiệu làm đẹp Fresh của Pháp, phát hành một loạt sản phẩm theo chủ đề geisha sử dụng gạo và rượu sake làm nguyên liệu chính.

11. Crazy Rich Asians (2018)

Dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy cùng tên của Kevin Kwan, Crazy Rich Asians là phim Hollywood đầu tiên kể từ The Joy Luck Club có sự tham gia của dàn diễn viên đa số là người châu Á. Hiện là phim hài lãng mạn có doanh thu cao nhất trong một thập kỷ và đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có hai đề cử Quả Cầu Vàng cho phim điện ảnh xuất sắc nhất và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Thời trang đóng một vai trò quan trọng trong phim, với những bộ trang phục thiết kế riêng được sử dụng để thể hiện sự giàu có và gu thẩm mỹ của các nhân vật — hoặc đôi khi là sự thiếu thẩm mỹ. Một trong những chiếc váy nổi tiếng nhất trong phim, chiếc váy Marchesa cổ chữ V màu xanh nhạt mà nữ diễn viên chính Constance Wu (Ngô Điềm Mẫn) mặc trong cảnh đám cưới, đang có cuộc sống thứ hai sau máy quay. Chiếc váy đã được tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian nhân kỷ niệm Tháng di sản Asian-American and Pacific Islander. Cảnh quan trọng trong phim khi nhân vật của Ngô Điềm Mẫn và Dương Tử Quỳnh chơi mạt chược cùng nhau cũng khơi dậy sự quan tâm đến trò chơi này của Trung Quốc. Nhiều trang tin tức bao gồm CBS, Vox và Vice đều sản xuất các chương trình hoặc bài báo giải thích các quy tắc của mạt chược.

Hiện tượng này là phim đầu tiên, và sự chú ý toàn cầu mà nó nhận được, đã mở đường cho các phần tiếp theo của cuốn sách China Rich GirlfriendRich People Problems cũng được chuyển thể thành phim. Crazy Rich Asians đã củng cố thêm sự nghiệp của các diễn viên Ngô Điềm Mẫn, Henry Golding và Nora Lum, thường được biết đến với cái tên Awkwafina, và ba ngôi sao này đã tiếp tục mở đường cho sự đại diện của châu Á trong các vai chính tại Hollywood.

12. Parasite (2019)

Năm nay, Parasite đã làm nên lịch sử điện ảnh khi trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên thắng giải Oscar. Nhưng nó không chỉ giành được một bức tượng mà còn giành được tới bốn, trong đó có phim hay nhất. Phim ly kỳ hài hước đen tối này được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của đạo diễn Bong Joon Ho khi dạy kèm cho các gia đình giàu có khi anh còn học đại học và kể câu chuyện gia đình Kim nghèo khó, những người quyết định làm việc cho một gia đình giàu có ở Hàn Quốc.

Phim khởi xướng một trào lưu mì được gọi là ‘ram-don’, món ăn do bà quản gia Kim làm trong phim. Ở Hàn Quốc, món này phổ biến với những sinh viên thiếu tiền và được chế biến bằng cách trộn hai sản phẩm mì Nongshim phổ biến: mì ramen Jjapaghetti và mì udon hải sản cay Neoguri. Internet kể từ đó bùng nổ các trang tin tức và ẩm thực cung cấp công thức từng bước để người hâm mộ có thể chế biến món ăn này tại nhà, trong khi các nhà hàng Hàn Quốc cao cấp ở New York — chẳng hạn như Cote được trao sao Michelin ở quận Flatiron — bắt đầu phục vụ các công thức của riêng họ về món ăn này.

Do thành công của phim, Bong Joon Ho đã phát hành bảng phân cảnh phim dưới dạng tiểu thuyết đồ họa dày 304 trang và hiện được đồn đại là đang thảo luận với HBO để chuyển bộ phim thành phim truyền hình dài tập. Tilda Swinton và Mark Ruffalo được cho là đang ứng cử vai chính.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Thailand Tatler