Giải thưởng - LHP

Định nghĩa điện ảnh lâm nguy trong cuộc chiến giữa Cannes với Netflix

24/04/2018

Liên hoan phim danh giá đang cố gắng định nghĩa nghiêm ngặt điện ảnh là trải nghiệm rạp chiếu, nhưng có thể liên hoan này đang chiến một cuộc chiến thất bại.

Cuộc chiến công khai đang diễn ra giữa một trong những định chế lâu đời nhất của điện ảnh (Liên hoan phim Cannes) và “kẻ phá bĩnh” mới nhất (Netflix) ngang ngửa ở chỗ rất khó thông cảm hẳn với bên nào.

Năm ngoái, sau một số phản ứng trong nội bộ về sự hiện diện của Okja The Meyerowitz của Netflix (hạng mục Mới và Được chọn) ở Cannes, liên hoan phim tuyên bố trong tương lai sẽ yêu cầu tất cả các phim tranh giải phải có lịch phát hành rạp ở Pháp. Năm nay, giám đốc Liên hoan Cannes, Thierry Fremaux, tuân thủ sắc lệnh đó. Đáp lại, Netflix rút tất cả phim của mình ra khỏi kỳ liên hoan năm 2018 — rút luôn cả những phim chiếu ra mắt không tranh giải không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi quy tắc này.

Yêu cầu thời gian chiếu rạp cho một ứng viên tranh giải ở Cannes chừng có vẻ không giống một đòi hỏi quá ngặt nghèo. Netflix phát hành nhiều phim mới, chẳng hạn Okja Meyerowitz nói trên, tại các rạp ở Mỹ để chúng có thể đủ điều kiện xét tranh giải Oscar. Nhưng Pháp có tiêu chí phát hành rắn hơn — phim không được phép xuất hiện trên hạ tầng trực tuyến trong ba năm sau khi chiếu rạp. Thời hạn đó là quá chỏi với mô hình của Netflix (đưa phim ra rạp và có sẵn trên mạng cho người thuê bao trong cùng một ngày) đến mức khó tưởng tượng có được thỏa hiệp mà Pháp không chịu thay đổi luật của họ.

Thierry Fremaux, giám đốc Liên hoan phim Cannes, công bố danh sách phim tranh giải 2018

Tuy nhiên, cũng có vẻ cực đoan như quy định phát hành của đất nước này, trọng tâm xung đột đó không khác nhiều so với tranh luận về Netflix ở Mỹ. Bằng cách đưa phim lên mạng ngay lập tức, dịch vụ truyền trực tuyến này thể hiện mối đe dọa hiển hiện đối với hoạt động kinh doanh rạp chiếu của Pháp; sự thay đổi luật lệ của Liên hoan phim Cannes chỉ là phương thức kháng cự của ngành kinh doanh rạp chiếu (giám đốc liên hoan, Fremaux chịu sức ép rất lớn từ giới chủ rạp Pháp). Công bố quyết định rút phim khỏi Cannes, vốn được xem là liên hoan phim danh giá nhất thế giới, giám đốc nội dung của Netflix, Ted Sarandos, đã đóng khung với Variety rằng đó là trận chiến giữa quá khứ và tương lai của điện ảnh.

“Quy tắc này hoàn toàn nhằm vào Netflix, và Thierry đã công khai nói về Netflix khi ông ấy công bố quy tắc,” Sarandos nói. “Liên hoan đã chọn vinh danh việc phát hành thay vì nghệ thuật điện ảnh… Chúng tôi chọn trở thành tương lai của điện ảnh. Nếu Cannes chọn để bị mắc kẹt trong lịch sử điện ảnh, thì được thôi.” Sarandos gọi quy tắc đó là “sự trừng phạt” và là một quy tắc “[mô tả] nghệ thuật bằng mô hình kinh doanh.” Tất nhiên, đó là điều Netflix cũng phạm tội đấy thôi: Mặc dù đôi khi có phát hành rạp hạn chế, công ty này chủ yếu sử dụng phim mới làm lợi điểm bán hàng quan trọng của dịch vụ phát trực tuyến tại nhà.

Áp phích phim Okja của Netflix tại một góc phố ở Cannes kỳ liên hoan năm 2017

Người viết bài này (và nhiều người khác) đã chỉ ra, Netflix theo đuổi một mô hình hung hăng và khác thường ngay cả đối với một công ty dịch vụ trực tuyến. Amazon, một hạ tầng trực tuyến lớn khác, phát hành phim ở rạp chiếu nhiều tháng trước khi đưa lên hạ tầng trực tuyến độc quyền của họ. Netflix cứ nhất định phát hành “cùng ngày”, nghĩa là hầu hết chuỗi rạp chiếu phim ở Mỹ sẽ không làm ăn với họ (và có nghĩa là họ không thể phát hành phim mới ở các quốc gia có luật nghiêm ngặt hơn, như Pháp chẳng hạn). Trước đây, Sarandos đã cáo buộc giới nhà rạp “[cố gắng] kìm hãm sự đổi mới và phát hành” bằng cách đòi một khung thời gian phát hành rạp, cảnh báo rằng họ “không chỉ… sẽ giết chết nhà rạp, mà sẽ giết luôn điện ảnh nữa không chừng.”

Kể từ khi bước vào kinh doanh phim ảnh, Netflix đã dấn thân vào con đường va chạm với thiết chế phát hành phim. Mâu thuẫn với Cannes là mặt trận lớn nhất trong cái sẽ là một cuộc chiến đang diễn ra; câu hỏi là bên nào sẽ mất nhiều hơn. Cannes trao uy tín tất yếu cho những phim tham gia, và Netflix có thể thấy khó thu hút loại đạo diễn tên tuổi lớn mà họ thích làm việc nếu không thể đảm bảo quyền tiếp cận các liên hoan hàng đầu. Alfonso Cuarón, Paul Greengrass, và Jeremy Saulnier nằm trong số những người đang chứng kiến phim của họ bị rút khỏi cuộc thi năm nay. Ngoài ra còn có một bộ phim của Orson Welles chưa từng được phát hành có tựa đề The Other Side of the Wind, không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi quy tắc, vẫn bị rút khỏi Cannes, bất chấp con gái của Welles, Beatrice, thất kinh rụng rời.

Cảnh trong phim The Other Side of the Wind, bản cuối chưa hoàn tất của Orsen Welles mà Netflix đã mua quyền. Orsen Welles bắt đầu quay phim này vào thập niên 1970 và vẫn đang hoàn chỉnh nó cho đến khi ông qua đời năm 1985.
Mặc dù Welles là một nhà làm phim bậc thầy, ông chưa bao giờ dễ dàng làm được phim vì ông có những nguyên tắc riêng. Thế nên, Netflix là người ủng hộ kiểu nhà làm phim như thế, và họ giúp Welles hoàn tất bộ phim. Bộ phim là câu chuyện châm biếm Hollywood về một nhà làm phim nỗ lực quay lại với nghề

Nhưng Netflix cũng có thể buộc Cannes phải nhượng bộ. Các liên hoan khác sẽ khó mà cưỡng lại những bộ phim mới từ các nghệ sĩ nổi tiếng như Cuarón, và bằng cách bế quan tỏa cảng với công ty trực tuyến này, Cannes có nguy cơ để cho những liên hoan khác, các đối thủ linh hoạt hơn (như Venice, Berlin, Toronto và Telluride) trở thành nơi ra mắt các phim lớn. Dàn phim tuyển chọn chính thức cho năm 2018 đã được Cannes công bố là rất thú vị, với những bộ phim mới từ các đạo diễn lớn trên thế giới. Nhưng dàn phim này đã thiếu đi một số ứng viên phù hoa được mong đợi từ các nhà làm phim như Terrence Malick, Brian De Palma, Luca Guadagnino, và Claire Denis (mặc dù một vài tựa nữa có thể được thêm vào danh sách sau).

Về phần mình, Fremaux đã gọi sự lạnh lùng xa cách của Netflix là một “tình huống đáng buồn” mà ông hy vọng sẽ được giải quyết. “Tôi tin vào phép lạ,” ông nói với Variety sau khi công ty này rút phim. “Chúng tôi đang có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Netflix và cánh cửa không bị đóng.” Nhưng tranh chấp ý thức hệ này sẽ rất khó giải quyết. Như nhiều người khác, Fremaux xem trải nghiệm rạp chiếu là nền tảng của điện ảnh, trong khi Netflix công khai bác bỏ ý niệm đó.

Ted Sarandos, Giám đốc nội dung của Netflix

“Rất nhiều đạo diễn sẽ đến và sẽ nói về những bộ phim mà họ xem, và đây là những bộ phim ảnh hưởng đến họ và khiến họ muốn trở thành một nhà làm phim, và trong hầu hết mọi trường hợp họ đã xem chúng ở nhà trên băng VHS,” Sarandos nói với Deadline trong một cuộc phỏng vấn năm 2016. “Có một khái niệm lãng mạn về phim chiếu trên màn ảnh rộng… Chúng ta phải vứt bỏ phần lãng mạn đó. Tôi thực sự không nghĩ rằng chúng loại trừ lẫn nhau. Tôi nghĩ theo thời gian, những bộ phim này sẽ được đưa vào rạp chiếu phim cùng một lúc trên Netflix.” (Các đối thủ sắp tới của Netflix, như dịch vụ phát trực tuyến đã được lên kế hoạch của Disney, có thể sẽ không theo mô hình đó).

Sẽ chẳng mất gì nếu Netflix bẻ cong quy tắc của họ và cho phim phát hành hạn chế ở rạp chiếu trước khi đưa chúng lên mạng (phản ứng của công ty này đối với luật pháp nước Pháp dễ hiểu hơn). Công ty vẫn sẽ cung cấp cho người tiêu dùng sự lựa chọn giữa trải nghiệm xem rạp và xem tại nhà riêng. Những người không sống gần nhiều rạp chiếu phim có thể phải đợi lâu hơn một chút để xem một bộ phim nghệ thuật, nhưng họ vẫn có loại quyền truy cập bằng thuê bao Netflix mà 10 năm trước ‘fan’ điện ảnh chỉ có thể mơ ước.

Phản đối lớn nhất của Netflix dường như là chống lại bất kỳ loại thị trường hạn chế nào. Lập luận cơ bản của Sarandos là khái niệm “cửa sổ phát hành”, vốn giới hạn phim vào một mô hình phân phối cụ thể nào đó, không tồn tại trong ngành nghệ thuật khác, thì cũng không nên tồn tại trong điện ảnh. Dân ghiền xinê có thể xem rạp chiếu là thánh đường, nhưng nhiều người sẽ vui vẻ tiêu thụ phim trong sự thoải mái tại nhà riêng của họ — và Netflix cho rằng cách tiếp cận thị trường tự do sẽ cho thấy đó là đúng.

Dân ghiền xinê có thể xem rạp chiếu là thánh đường nhưng Netflix nói rằng phải vứt bỏ phần lãng mạn đó?

Cái đang lâm nguy là ý niệm “phim điện ảnh” thực sự là gì — nếu việc bạn xem ở đâu hoặc xem khi nào là quan trọng — và liệu ngành công nghiệp điện ảnh sẽ mở rộng tư duy của mình như Netflix muốn, hay bắt đầu áp định nghĩa chặt hơn vào đúng chỗ.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Atlantic