Tin tức

Victor Frankenstein: Max Landis chuyển thể câu chuyện quái vật kinh điển như thế nào

25/11/2015

Phiên bản chuyển thể mới nhất tiểu thuyết Frankenstein của nhà văn nữ Mary Shelley lấy tựa đề từ nhà khoa học mê muội của cuốn sách.

Nhưng Victor Frankenstein là một phim hai nhân vật tập trung vào mối quan hệ giữa Victor (James McAvoy) và Igor (Daniel Radcliffe), chàng trai gù sống bần hàn với công việc hề rạp xiếc tới khi Tiến sĩ Frankenstein gặp anh, chữa trị cho anh và nhờ anh giúp đỡ hàng loạt thí nghiệm sẽ đẩy ranh giới của khoa học tới bờ nguy hiểm và có thể là vô đạo đức.

Do Paul McGuigan (Sherlock) đạo diễn, Victor Frankenstein được cấu trúc để thành một phiên bản độc đáo của câu chuyện kinh điển với những chi tiết gốc pha trộn những phần thần thoại mới đã được xây dựng xung quanh Frankenstein qua những phiên bản chuyển thể - rõ nhất là Igor, nhân vật không có trong truyện. Kịch bản do Max Landis (American Ultra) viết và bộ phim được quay tại nhiều địa điểm của Vương quốc Anh vào năm ngoái. Screen Rant đã rất may mắn được có mặt trong một ngày quay phim tại Shepperton Studios, và tác giả bài viết được xem cảnh lần đầu Victor và Igor gặp mặt, cũng như tìm hiểu thêm về bộ phim.

“Max [Landis] là thiên tài điên rồ đứng sau dự án này,” điều hành sản xuất Derek Dauchy giải thích. “Tôi nghĩ điều Max muốn thực hiện là một Frankenstein không như phiên bản nào ta từng được xem.” Phiên bản nhân vật do McAvoy thủ vai được nam diễn viên miêu là một “kẻ thực dụng,” “ích kỷ”, “ám ảnh với cái tôi của mình” cộng với “một loạt rối loạn nhân cách,” nhưng Dauchy nói không rõ Victor là một nhà khoa học điên rồ hay chỉ bị hiểu nhầm.

Victor Frankenstein
đặt bối cảnh năm 1860, thế giới đang trong đà cách mạng công nghiệp, nhưng Dauchy miêu tả bộ phim mang “sức sống hiện đại riêng”, so sánh tinh thần bộ phim với của The Social Network. Thay vì sáng tạo ra Facebook, Victor và Igor khám phá ra cách hồi sinh xác chết (mà thế thì nghe tàn độc hơn? Độc giả tự quyết định).

James McAvoy (Victor Frankenstein) và Daniel Radcliffe (Igor) trên phim trường

Dĩ nhiên McGuigan không xa lạ gì việc mang tính hiện đại vào truyện kinh điển, khi đó chính là điểm nhấn của Sherlock trên đài BBC. Dù Victor Frankenstein là một phim cổ trang, phiên bản chuyển thể của Landis học hỏi từ rất nhiều phiên bản Frankenstein đi trước. Ở điểm này, hiểu biết lịch sử của Frankenstein là một phần quan trọng trong việc tiếp cận câu chuyện.

Frankenstein luôn có sức hút với khán giả vì câu chuyện đằng sau nó, ý tưởng hồi sinh và tái tạo một con người. Có một khả năng là điều gì đó như vậy sẽ xảy ra, và khả năng đó có ý nghĩa gì? Tôi nghĩ điều hay trong kịch bản của Max Landis là nó chạm vào tất cả những vấn đề từ đó. Không chỉ từ quyển sách của Mary Shelley, mà quan trọng hơn từ lịch sử điện ảnh…”

“Cách kể chuyện rất thông thường khi mà tôi cố làm thật nhiều sau máy quay nhất có thể, và cố gắng… tri ân những gì đã có trước và cũng xáo trộn chúng một ít. Vậy nên đó cũng là một chuyến phiêu lưu.”

McGuigan cũng tả Victor Frankenstein không hề “tôn trọng thời gian bối cảnh” với một phong cách màu sắc nổi loạn, và nhân vật nghệ sĩ nhào lộn Lorelei (Jessica Brown Findlay) là một phần của sự không tôn trọng đó. Lorelei là bạn thân và người yêu của Igor, sự nghiệp rạp xiếc của cô chệch hướng sau một cú ngã kinh hoàng và cô rẽ sang con đường mới cùng lúc với Igor. Findlay nói Lorelei là “một phụ nữ phóng khoáng biết mình cảm thấy [và] biết mình muốn gì,” nói thêm với tiểu sử sống ngoài lề xã hội Lorelei “không thể chịu được” việc phải mặc váy diêm dúa – và vì vậy cô không có vấn đề gì với việc la hét, chạy nhảy, ẩu đả, và những thứ không nữ tính khác.

Jessica Brown Findlay trong vai Lorelei

Lorelei, như Igor, không có trong tiểu thuyết của Shelley và rõ ràng đây không phải là phiên bản chuyển thể trung thành nhất của Frankenstein. McGuigan thừa nhận “không có nhiều chi tiết gốc” trong bộ phim. Nhưng đạo diễn cũng nói ông và Landis muốn trung thành với chủ đề câu chuyện, và mang lại tinh thần phiêu lưu khoa học của nó.

“Tôi nghĩ đôi khi câu chuyện lạc lối trong Frankenstein. Tôi nghĩ người ta cố làm ra quỷ dữ. Thực ra ta là con người cố tạo ra quỷ từ con người, tạo nên lỗi lầm, và nó có thể là một cuộc phiêu lưu. Tôi thích phim phiêu lưu. Vậy nên chúng tôi pha trộn hai điều này, và hy vọng nó sẽ có sức cuốn hút.”

Thú vị là mọi người mà Screen Rant đã gặp gỡ trò chuyện trong thời gian quay phim không nói nhiều về vai trò con quái vật thực sự mà khán giả biết từ tiểu thuyết của Shelley và những phim Frankenstein trước. Nhóm tác giả cảm giác bộ phim sẽ thực sự về mối quan hệ giữa Victor và Igor, và Igor trở thành dự án lớn đầu tiên của Victor. Nhưng khi các chiến dịch quảng bá cho phim nổi lên, mọi thứ từ cái tên tới trailer cho tới trang web quảng cáo đồng hành đều hướng về sinh vật mà Igor và Victor tạo ra. Có lẽ 20th Century Fox quyết định rằng một chuyến phiêu lưu giữa hai người bạn thời Victoria thì khó bán hơn câu chuyện hồi sinh người chết quen thuộc.

Quái vật từ xác chết trong phim

Kịch bản thành danh của Landis, Chronicle, lấy ý tưởng quen thuộc của phim siêu anh hùng và đảo ngược nó bằng việc ban sức mạnh siêu nhiên cho một nhóm thiếu niên chưa trưởng thành chỉ thích dùng chúng để trêu chọc và cho mục đích cá nhân. Có vẻ Victor Frankenstein cũng mong muốn làm điều tương tự: lấy một câu chuyện hầu hết ai cũng biết và tạo ra một điều mới mẻ từ đó. Liệu thí nghiệm của Landis và McGuigan có thành công? Liệu thí nghiệm của Victor và Igor có kết thúc trong một cơn cuồng nộ khát máu? Mọi người sẽ phải xem phim để biết thôi.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Rant