Tin tức

Vì sao Hollywood cứ sản xuất mãi phim làm lại-phần tiếp theo-tái khởi động

01/12/2023

Đi xem phim vào bất kỳ ngày cuối tuần nào và gần như chắc chắn bạn sẽ tìm thấy trong lịch chiếu phim phần tiếp theo, khởi động lại hoặc phim dựa trên một cuốn sách, trò chơi hoặc một số tài sản đã biết khác.

Các xuất phẩm Halloween năm nay bao gồm cả Saw X, bổ sung vào chuỗi phim Saw lâu năm, và The Exorcist: Believer, phần tiếp theo của bộ phim đình đám năm 1973 The Exorcist.

Theo cuốn sách You Are What You Watch, những phim như Creed, nằm trong vũ trụ Rocky, ít khả năng thua lỗ hơn các câu chuyện nguyên bản

Nằm ngoài thể loại kinh dị thuần túy — nhưng đáng sợ theo cách riêng của nó — là Killers of the Flower Moon của đạo diễn Martin Scorsese, dựa trên cuốn sách bán chạy cùng tên năm 2017 của tác giả David Grann. Bộ phim đã mang về 23 triệu USD trong tuần đầu tiên ra rạp ở Mỹ, cộng thêm 21 triệu USD trên toàn thế giới.

Trong cuốn sách You Are What You Watch, tác giả Walt Hickey giải thích lý do của việc Hollywood không có dấu hiệu dừng chuyện tung ra vô số phim ngoại truyện, phần tiếp theo, tiền truyện và khởi động lại. Tất nhiên vấn đề là phim nào kiếm được nhiều tiền nhất, nhưng không đơn giản chỉ có vậy.

Như tác giả đoạt giải Pulitzer nói, những phim như trong chuỗi Rocky, Creed và hai phần tiếp theo của nó, có khả năng ra rạp nhiều hơn một câu chuyện nguyên tác vì chúng ít có khả năng thua lỗ.

You Are What You Watch giải thích cách truyền hình và phim ảnh ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của chúng ta

Nhưng quay lại với cuốn sách, chứa đầy những bảng biểu và đồ thị đủ màu sắc minh họa cho hiện tượng phần tiếp theo và các chủ đề hấp dẫn khác, chẳng hạn như phim của Disney tác động thế nào đến các bậc phụ huynh và siêu năng lực của các nhân vật trong truyện tranh Marvel. Sách cũng đề cập đến chủ đề phim ảnh và chương trình truyền hình ảnh hưởng như thế nào đến việc chúng ta đặt tên con cái, giống chó chúng ta nuôi và thậm chí chúng ta đi du lịch nơi nào.

Sau đây là đoạn trích độc quyền từ phần về sự lên ngôi của phim phần tiếp theo:

Phim khởi động lại không phải chuyện gì mới. Trên thực tế, khái niệm tưởng tượng lại một câu chuyện cũ cũng xưa gần bằng những câu chuyện gốc mà chúng học lỏm theo. Aeneid? Khởi động lại tác phẩm của Homer với một nhân vật chính dễ mến hơn. All’s Well That Ends Well? Vì đây là Shakespeare nên hầu hết tư liệu ông dùng đều được sử dụng lại từ Plutarch như thể ông là học trò của vị này. Hiến pháp Hoa Kỳ? Khởi động lại các Điều khoản Hợp bang, mặc dù có sự cải tiến so với bản gốc.

The Exorcist: Believer, phần tiếp theo của bộ phim đình đám năm 1973 The Exorcist

Tuy nhiên, động lực chính cho phim khởi động lại, phần tiếp theo, phần tiền truyện là tài chính. Có rất nhiều lý do khiến một đạo diễn có thể muốn quay lại với một chuỗi phim sau một thời gian xa cách. Có lẽ họ muốn thăm lại thế giới mà họ đã xây dựng và mở rộng nó. Có lẽ chủ đề họ muốn giải quyết chỉ có thể được thực hiện bằng cách tập hợp mọi người lại với nhau ngoại trừ Robert Duvall và sau đó chọn con gái họ đóng vai chính. Có lẽ chúng ta có thể kết luận rằng một người đã dành phần lớn cuộc đời của mình để đấu quyền anh ở Philly sẽ muốn đối mặt với tuổi già ập xuống thông qua bộ phim về một võ sĩ chiếu dưới. Có lẽ chúng ta thực sự cần xác định chính xác các Minions đã ở đâu trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1945?

Nhưng lý do thực sự có nhiều phim khởi động lại là vì chúng là những cỗ máy kiếm tiền đáng tin cậy hơn phim nguyên tác.

Có lẽ chúng ta thực sự cần xác định chính xác các Minions đã ở đâu trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1945?

Tuy nhiên, không có nghĩa là phim khởi động lại tự động kiếm được nhiều tiền hơn phim gốc. Một quan niệm sai lầm phổ biến rằng các nhà điều hành Hollywood chỉ quan tâm mỗi lợi nhuận. Không phải thế. Ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nhà sản xuất không phải là kiếm được nhiều tiền mà là không bị thua lỗ nhiều tiền. Không ai từng bị sa thải vì đặt cược khiêm tốn vào một chuỗi phim được yêu thích, nhưng nhiều người đã bị sa thải vì đặt cược khiêm tốn vào một kịch bản không ai biết tới mà có tiềm năng lớn. Động cơ là tránh rủi ro chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận.

Một phim nguyên tác trung bình, loại phim không được xây dựng dựa trên tài sản trí tuệ có sẵn, đã kiếm được gấp 2,8 lần kinh phí ở phòng vé toàn cầu kể từ năm 1980. Con số này khá tốt, loại lợi tức đầu tư giúp một bộ phim nằm trong vùng có lợi nhuận. Thậm chí còn tốt hơn đôi chút so với phim không phải phần tiếp theo dựa trên kịch bản được chuyển thể từ một tài sản khác — truyện tranh, chương trình truyền hình, tin tức hoặc một bài báo trên tạp chí — trung bình thu về gấp 2,5 lần kinh phí. Bạn có thể kết luận là kịch bản nguyên tác có thành tích tốt hơn tư liệu chuyển thể.

Killers of the Flower Moon của đạo diễn Martin Scorsese, dựa trên cuốn sách bán chạy cùng tên năm 2017 của tác giả David Grann

Nhưng phần tiếp theo trung bình thu về gấp 4,2 lần kinh phí tại phòng vé toàn cầu kể từ năm 1980. Các phần tiếp theo dựa trên ý tưởng nguyên tác thậm chí còn làm tốt hơn, thu về gấp 4,7 lần ngân sách tại phòng vé toàn cầu. Tất nhiên điều này cũng có lý. Tất cả công sức để hoàn thiện phần đầu tiên sẽ rót sang phần thứ hai, và khi tổng chi phí cho quảng cáo và việc tiếp cận khán giả tăng lên thì chi phí quảng bá cũng tăng theo. Nhưng phần tiếp theo sẽ cho bạn động lực. Có lý do những người có thể làm ra những bộ phim nguyên tác nhất — các công ty như Pixar hay Studio Ghibli, các đạo diễn như Christopher Nolan, M. Night Shyamalan hay Quentin Tarantino — có thể làm được điều đó chính là dựa trên sức mạnh vốn có của công ty hoặc thương hiệu cá nhân, và trong một số trường hợp có rủi ro tài chính cá nhân đáng kể.

Nhưng nếu những phim đạt doanh thu phòng vé tốt nhất đều là phần tiếp theo của phim gốc và phim gốc kiếm được lợi nhuận trung bình, tại sao các hãng phim không đầu tư vào phim mới với mục đích thiết lập chuỗi phim mới thường xuyên hơn?.

Kinh phí 88 triệu USD của The Hunger Games đã được một hãng phim đang tuyệt vọng cần một phim ăn khách gom góp bằng cách bán trước bản quyền quốc tế và được giảm thuế 8 triệu USD từ Bắc Carolina

Câu trả lời nằm ở các cổ đông và lợi tức đầu tư. Nếu chi phí cho một phim gốc mang lại cho bạn lợi tức đầu tư gấp 2,8 lần thì số tiền đó thực ra đại diện cho số tiền bạn không chi cho một phim phần tiếp theo, mà bạn có thể tin tưởng vào lợi tức đầu tư trung bình gấp 4,2 lần. Chí ít là các nhà đầu tư và cổ đông nghĩ vậy đó. Ngoài ra còn có rủi ro cố hữu là không thu hồi được kinh phí, đạo diễn thì có thể sống sót nếu chuyện như vậy chỉ thi thoảng mới xảy ra, nhưng với nhà điều hành hãng phim nào đã bật đèn xanh cho dự án đó thì có thể và thực sự là dấu chấm hết. Chỉ 44% phim không phải phần tiếp theo thu hồi kinh phí ở Bắc Mỹ và chỉ 21% lời gấp đôi kinh phí ở Bắc Mỹ, là quy tắc chung để tính hòa vốn. Những con số đó khá tương tự cho cả kịch bản chuyển thể và kịch bản nguyên tác.

Trong khi đó, 66% phim phần tiếp theo thu hồi kinh phí và 29% thu gấp đôi ở Bắc Mỹ, với 92% phim phần tiếp theo thu hồi kinh phí trên toàn cầu. Vì vậy, đặt cược vào phần tiếp theo có cơ hội lấy lại kinh phí ở Mỹ cao gấp ba.

Jake Sully (Sam Worthington) và Neytiri (Zoe Saldana) đóng vai chính trong Avatar: The Way of Water năm ngoái

Chắc chắn, có một số phim không phải phần tiếp theo làm ăn tốt, nhưng bạn sẽ không bao giờ đoán được là phim nào. Nói đến phim không phải là phần tiếp theo, 77% phim ngoại truyện sẽ thu hồi kinh phí và 58% phim làm lại lấy lại vốn. Về tổng thể gần như mọi phim khác đều lỗ so với một phim trung bình.

Và khi bạn nghĩ về việc ai mở chuỗi phim, thực sự rất hiếm khi các công ty lớn sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy. Chắc chắn họ sẽ phát hành chúng, và nếu bạn gặp may, họ sẽ tài trợ cho các phần tiếp theo, nhưng xét bất kỳ chuỗi phim lớn nào gần đây thì hiếm khi tìm được hãng phim nào ký một tấm séc lớn trước.

Avatar được 20th Century Fox phát hành nhưng họ không bỏ vốn mà chỉ có James Cameron và hai công ty cổ phần tư nhân tài trợ. Chuỗi phim Bond được hai nhà sản xuất độc lập lập ra và vẫn được gia đình Broccoli kiểm soát chặt chẽ. Tyler Perry đã phải xây dựng Hollywood của riêng ông ở Atlanta để thực hiện vô số chuỗi phim thành công liên tục. Vũ trụ Điện ảnh Marvel được một công ty truyện tranh độc lập tạo ra, tự đầu tư, sau này mới được Disney mua lại.

Viggo Mortensen và Liv Tyler đóng chính trong The Lord of the Rings: The Return of the King năm 2003

Và các phim tiền truyện của Star Wars vẫn là những phim độc lập lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử, được George Lucas đầu tư bằng tiền bán trước bản quyền đồ chơi. Phim chuyển thể The Lord of the Rings của Peter Jackson là kết quả sau khi vị đạo diễn tiến hành một cuộc chiến tàn khốc với kẻ hiếp dâm bị kết án Harvey Weinstein mới gọi được vốn cho các bộ phim của mình. Kinh phí 88 triệu USD của The Hunger Games đã được một hãng phim đang tuyệt vọng cần một phim ăn khách gom góp bằng cách bán trước bản quyền quốc tế và được giảm thuế 8 triệu USD từ Bắc Carolina.

Tất cả những nỗ lực gọi vốn tự phát như thế đã được đền đáp. Và khi những ý tưởng đó chứng tỏ được bản thân, công ty khởi nghiệp này sẽ được một hãng phim lớn mua lại, tự đầu tư vào các phần tiếp theo có lợi tức đầu tư cao. Kinh phí dành cho phim thứ hai trong các chuỗi phim đó có thể được tập hợp với ít tấm séc hơn. Vấn đề là các hãng phim không được khuyến khích tạo ra thứ mới mà lại được khuyến khích khai thác những tài sản đã được chứng minh. Và khi Hollywood tiếp tục sáp nhập và chi phí quảng bá trở nên quá nặng nề, kết quả tất yếu là ngày càng có ít phim nguyên tác hơn.

Đấu trường sinh tử: Khúc hát của chim ca và rắn độc, tiền truyện của chuỗi Hunger Games ra rạp năm nay

Rõ ràng có động lực kinh doanh để làm phần tiếp theo và khởi động lại, nhưng tại sao chỉ một phim thôi thì không bao giờ là đủ? Tại sao khán giả có vẻ muốn phim khởi động lại? Tại sao họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để quay lại nơi họ đã từng đến và nhờ phương tiện kỹ thuật số, họ có thể quay lại bất kỳ lúc nào?

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Yahoo! News