Tin tức

Lost in Hong Kong: 5 điều về bom tấn phòng vé mới nhất của Trung Quốc

08/10/2015

Bộ phim hành động hài Lost in Hong Kong từ nhà làm phim chuyên làm ra những phim thành công đình đám Từ Tranh mở màn ở Trung Quốc, tàn sát đối thủ cạnh tranh ở phòng vé bằng doanh thu ‘khủng’ 106,35 triệu đôla, doanh thu ra mắt tốt nhất mà một phim do Trung Quốc làm ra kiếm được ở thị trường đang bùng nổ Trung Quốc. Hotel Transylvania 2 về nhì rất cách biệt với 76,7 triệu đôla.

Lost in Hong Kong được dành cho số lượng rạp chiếu nhiều chưa từng có là 100.000 điểm chiếu khắp Trung Quốc trong 24 giờ đầu tiên, thu 1,8 triệu đôla từ suất chiếu nửa đêm và 32 triệu trong ngày đầu tiên — doanh thu ra mắt lớn nhất từ trước đến nay của một phim Trung Quốc, và đứng thứ ba về doanh thu trong ngày ra mắt ở Trung Quốc, chỉ sau Furious 7Avengers: Age of Ultron.

Một điều đầu tiên nữa với một phim lãng mạn hài Trung Quốc đó là, Lost in Hong Kong cũng làm ăn tốt ở Mỹ, kiếm được 558.900 đôla từ 27 rạp trình chiếu hạn chế trong ngày ra mắt cùng lượt ở Bắc Mỹ qua Well Go USA.

Sau đây là năm điều về bộ phim Lost in Hong Kong thành công ‘khủng’ này.

1. Đã từng có những Lost trước

Lost in Hong Kong là phim cuối cùng trong bộ ba phim hành trình thể hiện nam diễn viên Trung Quốc Từ Tranh trong vai một doanh nhân phiền toái kẹt với một kẻ dở hơi vụng về trên hành trình xuyên quốc gia. Phim đầu tiên trong loạt, Lost on Journey (2010), lấy bối cảnh Đại lục khi một cặp đôi-lạ đời-vật vã-tìm-đường-về-nhà-đón-Tết Nguyên đán. Do đạo diễn Hồng Kông Diệp Vĩ Dân chỉ đạo và Từ Tranh cùng siêu sao Trung Quốc Vương Bảo Cường đóng chính, phim được báo chí Trung Quốc khen ngợi vì giàu sắc thái xã hội, nhưng chỉ có tác động tối thiểu ở phòng vé, kiếm được chỉ 7,29 triệu đôla.

Lost on Journey

Phần tiếp theo, Lost in Thailand, đánh dấu sự xuất hiện của phim hài bom tấn Trung Quốc, thu hoạch một con số lịch sử là 208 triệu đôla – lớn nhất từ trước đến nay với một phim Trung Quốc cho đến khi bị sử thi kỳ ảo Monster Hunt soán ngôi hồi tháng 7 năm nay. Với Từ Tranh đảm nhận vai trò đạo diễn và đồng biên kịch, bộ phim hành động gàn dở này được đẩy lên đến cực độ và lấy bối cảnh ở Thái Lan, khiến phim nhận lãnh những so sánh quá mức với The Hangover 2 của Todd Phillips (tuy nhiên, đúng vậy, có cảnh "mỹ nữ-trai chuyển giới" Thái Lan).

Với việc Từ Tranh một lần nữa làm cả ba nhiệm vụ biên kịch, đạo diễn và kép chính, Lost in Hong Kong theo chân nhân vật của anh trong một chuyến đi từ Trung Quốc sang Hồng Kông để theo đuổi một bí mật có liên quan với một cô bạn cũ thời đại học (người mẫu trở thành diễn viên Đỗ Quyên đóng). Điểm hài hước then chốt: vợ anh (Triệu Vy, một sức hút phòng vé quan trọng ở Trung Quốc) và một người họ hàng xa bên vợ không chịu nổi lại cùng đi theo.

2. Một sự tôn kính cẩn trọng dành cho điện ảnh Hồng Kông

Không có Vương Bảo Cường, phim thay thế bằng sự tôn kính xuyên suốt lịch sử điện ảnh Hồng Kông.

Triệu Vy, đứng giữa, trong cảnh phim Lost in Hong Kong

Một sự tôn kính không ngừng đối với thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hồng Kông, phim đầy ắp những liên hệ trích dẫn các bộ phim hành động, hài và phim nghệ thuật kinh điển của Hồng Kông thập niên 1980 và 1990, chẳng hạn Police Story của Thành Long, Chungking Express của Vương Gia Vệ, và Tuyệt đỉnh kung fu của Châu Tinh Trì. Một cuộc diễu hành các huyền thoại màn bạc Hồng Kông trong vai khách mời – Lý Xán Sâm, Cát Dân Huy, Trịnh Đan Thụy, Tần Bái và Vương Tinh – còn nhạc nền được làm từ các bài hát chủ đề tượng đài trong phim Hồng Kông thập niên 1980.

Với việc hàng triệu ‘fan’ xinê ở Trung Quốc Đại lục đã lớn lên với phép màu điện ảnh ở nhượng địa của thuộc Anh, hoài niệm quả là một chọn lựa khôn ngoan – và bằng chứng là thành công ở phòng vé.

3. Thời điểm phát hành thật éo le

Tuy bản thân bộ phim có vẻ vô tư, bức thư tình của Từ Tranh gửi điện ảnh Hồng Kông đến vào lúc đầy vấn đề chính trị trong quan hệ Hồng Kông-Trung Quốc. “Cuộc cách mạng ô dù” ở Hồng Kông, phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ 79 ngày, bắt đầu đúng vào ngày thứ hai 28/9 năm trước.

Cùng với việc người Hồng Kông thiếu quyền tự quyết về chính trị, nhiều vấn đề xã hội đã khơi dậy cho phong trào biểu tình đó vẫn còn nguyên tác động: oán giận trước việc nhà giàu Đại lục tràn sang và giá cả bất động sản không ngừng tăng lên; cùng với cảm giác kích động vì văn hóa Quảng Đông đang bị ảnh hưởng kinh tế, chính trị và văn hóa Đại lục lấn áp. Căng thẳng thường xuyên và biểu hiện bản sắc kém cỏi, với việc cả người Hồng Kông lẫn Đại lục tranh cãi nhau trên mạng bằng những từ ngữ xúc phạm nhau.

Ngẫu nhiên, Lost in Hong Kong chưa có lịch ra rạp ở Hồng Kông, dù mở màn đồng thời ở Mỹ và Trung Quốc. Bộ phim sẽ được khán giả người Hồng Kông đón nhận thế nào, với bối cảnh chính trị và niềm tự hào về di sản điện ảnh của họ. Nhưng với sự chỉ trích của một số khán giả Đại lục cho rằng bộ phim tưởng nhớ điện ảnh Hồng Kông "tầm thường, phù phiếm" — như một ‘comment’ được đông đảo người ủng hộ trên mạng — một sự đón nhận lãnh đạm ở thành phố làm bối cảnh trong phim không có gì gây ngạc nhiên.

4. Liệu du lịch Trung Quốc có bùng nổ ở Hồng Kông?

Lost in Thailand

Sau khi Lost in Thailand lập kỷ lục năm 2012, du khách Trung Quốc đến thành phố Chiang Mai bắc Thái Lan, bối cảnh của bộ phim, tăng đột biến. Mặc dù không rõ cái gì có trước — có phải Lost in Thailand nổi tiếng đến thế vì khai thác sự tò mò và khao khát du lịch của tần lớp trung lưu mới nổi lên của Trung Quốc, hay là người mê phim Trung Quốc thuộc tần lớp trung lưu kéo đến Thái Lan vì họ muốn tái hiện chuyến phiêu lưu lạc lối ở Thái Lan của riêng họ? (có lẽ là cả hai) — một hiện tượng tương tự đã xuất hiện xung quanh bộ phim Lost in Hong Kong.

Hãng lữ hành CTrip ở Thượng Hải bắt đầu chào gói du lịch chủ đề Lạc lối ở Hồng Kông bao gồm hành trình đến các địa điểm ở Hồng Kông thể hiện trong phim. Lúc bài báo này được đăng, gói du lịch này trên trang “book” vé đã ghi là "hết chỗ" – chỉ ba ngày sau khi phim phát hành.

Bất kể người dân Hồng Kông cảm thấy thế nào, một cơn bùng nổ du khách Đại lục đột biến đến thật đúng lúc cho kinh tế Hồng Kông. Số lượng du khách Đại lục giảm 9,8% so với tháng 7 năm trước, mà Hội đồng du lịch Hồng Kông báo cáo hồi đầu tháng này – tin tức tệ hại cho nền kinh tế ngày càng lệ thuộc và những người mua sắm bằng tiền mặt đến từ Đại lục.

5. Sẽ còn nhiều kỷ lục phòng vé nữa?

Kỷ lục phòng vé ở Trung Quốc được lập nên để bị phá vỡ — ở mức độ mỗi tháng. Sau khi có thêm 5.000 điểm chiếu phim năm 2014, phòng vé Trung Quốc được dự đoán tăng khoảng 30% năm nay đạt hơn 6 tỉ đôla. Kể từ đây, kỷ lục phòng vé không ngừng thiết lập ở thị trường này.

Nhưng đừng đặt cược Lost in Hong Kong sớm soán ngôi vô địch của Monster Hunt. Bộ phim mở màn không có đối thủ cạnh tranh, trước khi hàng đàn đối thủ rất được chờ đợi khác — Saving Mr. Wu, Goodbye Mr. Loser, và Chronicles of the Ghostly Tribe — bắt đầu đổ bộ rạp chiếu từ 30/9, đúng lúc tuần nghỉ lễ vàng tháng 10 (ngang qua lễ Quốc khánh Trung Quốc 1/10 – ND), một trong những khung thời gian tấp nập nhất ở Trung Quốc trong năm.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter