Tin tức

Không có phim Hàn trình chiếu ở Trung Quốc trong năm 2016

29/11/2016

Bom tấn Train to Busan của Hàn Quốc đã bán quyền phát hành cho 156 thị trường nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Nhưng bộ phim không tới được với khán giả Trung Quốc. Không thâm nhập được thị trường này đúng thời điểm, bộ phim đã rò rỉ trên các trang tải phim lậu của Trung Quốc và được phát tán cùng khắp.

Train to Busan là nạn nhân mới nhất của căng thẳng ngoại giao giữa Seoul và Bắc Kinh, theo công ty phát hành Next Entertainment World (NEW), nhắc đến bất đồng giữa hai nước về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc.

Bom tấn Hàn Train to Busan đã bán quyền phát hành ở thị trường Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa ra rạp

Bắc Kinh đã làm rõ quan điểm phản đối động thái này trong khi Seoul tin rằng việc lắp đặt hệ thống THAAD là cần thiết để đối phó với đe dọa quân sự leo thang của Bình Nhưỡng.

Nhà phát hành Trung Quốc dường như không đưa bộ phim đi kiểm duyệt, một quy trình bắt buộc để phim được phát hành, người của NEW cho biết thêm.

"Vì quyền phát hành đã được bán rồi nên cũng hạn chế thiệt hại. Nhưng chúng ta không thể trông đợi có thêm lợi nhuận từ việc trình chiếu."

Theo số liệu của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), không có phim Hàn nào được phát hành ở Trung Quốc từ sau Assassination hồi tháng 9 năm ngoái. Tình hình bế tắc trái ngược với những năm trước đó thường có ít nhất bốn phim Hàn phát hành mỗi năm.

Năm 2014, Roaring Currents, Cold EyesSnowpiercer đã ra rạp ở Trung Quốc. Năm nay, quyền phát hành các phim bom tấn phòng vé Hàn, trong đó có Tunnel Luck-Key, đã được bán.

Tunnel

Các công ty Hàn làm ăn ở Trung Quốc để đồng sản xuất phim lo công việc kinh doanh của họ bị hủy vì xung đột ngoại giao này.

"Không có đưa ra trừng phạt chính thức," quan chức KOFIC nói. Tuy nhiên, không có nghĩa tình hình kinh doanh bình thường. "Bầu không khí là các công ty Hàn đang thận trọng, lo lắng một sự lỡ lời nào đó có thể khiến gió trở chiều."

Chuyện về nền công nghiệp giải trí Hàn trở thành nạn nhân không phải là không ai nghe nói tới.

Một dự án liên doanh trị giá 42 tỉ won (35,7 triệu đôla) giữa đạo diễn danh tiếng Kim Ki Duk và một đối tác Trung Quốc đã không xảy ra. Hồi tháng 9, đạo diễn Kim nói ông gặp khó khăn trong việc được chính quyền Trung Quốc cấp visa.

Bộ phim Life Risking Romance do Ha Ji Won, Chun Jung Myung và ngôi sao Đài Loan Trần Bách Lâm đóng chính, được lên lịch phát hành đồng thời ở Hàn và Trung Quốc, nhưng đã phải thu xếp để chỉ ra mắt ở Hàn Quốc trong tháng 12/2016 giữa căng thẳng ngoại giao này.

Áp phích phim Life Risking Romance

CJ E&M, khổng lồ giải trí và phát hành Hàn Quốc, nói công ty đang theo dõi sát tiến triển của tình hình.

"Chúng tôi có khoảng 10 dự án hợp tác với Trung Quốc. Hầu hết đều ở giai đoạn ban đầu, nên chưa thấy tác động tức thời. Nhưng chúng tôi đang theo dõi sát sao tiếp theo đây sẽ thế nào," một viên chức của công ty nói.

Trong khi đó, một nhà phát hành khác của Hàn là Showbox xem nhẹ những sự bồn chồn đang diễn ra trong ngành, nói rằng hầu hết dự án của họ thuê đạo diễn và diễn viên Trung Quốc và rằng thiệt hại, nếu có, sẽ rất nhỏ.

Từ tháng rồi, chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt quy định về văn hóa đại chúng Hàn Quốc.

Theo trang web chính thức của Bộ Văn hóa Trung Quốc, không ngôi sao Hàn nào được Bắc Kinh cấp phép để trình diễn ở nước này từ tháng 10. "Từ tháng rồi không ngôi sao Làn sóng Hàn nào trình diễn ở Trung Quốc," một nguồn tin ở Bắc Kinh xác nhận.

Phim truyền hình Hàn The Legend of the Blue Sea với hai sao 'hallyu' rất được ưa chuộng ở Trung Quốc là Jun Ji Hyun (trái) và Lee Min Ho không phát song song ở hai nước như kế hoạch ban đầu

Sự trả đũa tức khắc của Trung Quốc được viện dẫn trên đã bắt đầu từ ngành giải trí, phần lớn bằng cách cấm cửa nhân vật nổi tiếng và các chương trình giải trí của Hàn Quốc. Với việc Seoul không thay đổi lập trường, xem ra Trung Quốc đã gia tăng biện pháp.

"Tin đồn" về việc chính quyền Trung Quốc ác cảm với văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã được nhiều nguồn truyền thông nước này đề cập. Tin nhân vật nổi tiếng Hàn Quốc và các bình luận phim Hàn hầu như biến mất khỏi truyền hình và báo chí Trung Quốc.

Một công ty Trung Quốc đã bị phạt 100.000 tệ (14.500 đôla) vì cố đẩy ra sự kiện trình diễn của một nhóm nhạc thần tượng Kpop mà không được chính quyền cấp phép. Công ty bị phạt đó đã mời nhóm nhạc Kpop cho một liên hoan địa phương và đã bán vé được một tháng trước khi bị phạt.

Ngoài tiền phạt, công ty đó còn được lệnh trả lại gấp đôi tiền vé cho bất cứ ai đã mua.

"Chính quyền (Trung Quốc) đã cảnh cáo rằng mọi hoạt động trình diễn của sao Hàn phải được chính quyền chấp thuận trước khi diễn ra hoặc trước khi bán vé, nếu không sẽ phải chịu phạt nặng và hủy bỏ giấy phép hoạt động giải trí," một nguồn tin bản địa cho biết.

Không thể phát cùng lúc ở cả Hàn và Trung theo kế hoạch ban đầu là trong tháng 12/2016, phim truyền hình Saimdang, Light's Diary lùi lịch lên sóng sang tháng 1/2017

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận việc cấm phim truyền hình Hàn

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ tin đồn rằng cơ quan chức năng quản lý truyền thông của nước này ban hành những hạn chế phim truyền hình, điện ảnh và chương trình truyền hình Hàn Quốc bằng việc yêu cầu các đài truyền hình Trung Quốc không phát sóng quảng cáo diễn viên Hàn Quốc.

"Tôi chưa hề nghe có bất cứ hạn chế nào đối với Hàn Quốc, và phía Trung Quốc luôn tích cực về trao đổi văn hóa và con người với quốc gia này," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại buổi họp báo hôm 21/11.

Nhưng ông ngụ ý rằng những trao đổi đó nên dựa trên sự ủng hộ của công chúng.

Khi được hỏi liệu tin đồn cấm phim truyền hình Hàn có liên quan đến vấn đề THAAD, vị phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp rằng sự phản đối trước sau như một của phía Trung Quốc về việc triển khai THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc là rõ ràng với tất cả các bên.

"Công chúng Trung Quốc cũng đã lên tiếng về sự không hài lòng của họ. Các bên liên quan phải lưu ý điều đó," ông nói.


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Yonhap News và China.org.cn