Tin tức

Giải mã thành công 'siêu khủng' của Mỹ nhân ngư

25/02/2016

Người trong cuộc tiết lộ họ đã làm thế nào để Mỹ nhân ngư / Mermaid của Châu Tinh Trì trở thành phim Hoa ngữ có doanh thu cao nhất mọi thời.

Từ khi ra rạp, bộ phim phá tan tành hầu như mọi kỷ lục mà khán giả biết.

Châu Tinh Trì vẫn đang trong chuyến quảng bá cho bộ phim bom tấn này ở nhiều thành phố, với hàng vạn ‘fan’ đến để gặp anh. Những cảnh tượng điên cuồng và phấn khích đó cứ được thấy hết lần này đến lần khác có thể khiến người qua đường lầm tưởng có ngôi sao nhạc rock nào đó đang gặp gỡ ‘fan’.

Châu Tinh Trì cùng êkíp làm phim Mermaid gặp gỡ 'fan' ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc

Chín công ty, trong đó có Tập đoàn điện ảnh Trung Quốc, Hehe Pictures và Enlight Media, đã đầu tư vào xuất phẩm này, còn bốn công ty gồm Star Overseas của Châu Tinh Trì, Hehe Pictures, Maxtimes Culture, và Union Pictures hợp tác trong việc tiếp thị và quảng bá.

Trong một phỏng vấn với Sina.com.cn, Yang Wei, chủ tịch Hehe Pictures, tiết lộ rằng Châu Tinh Trì và công ty Star Overseas của anh chỉ huy toàn bộ việc tiếp thị, Maxtimes Culture cung cấp kế hoạch tiếp thị và thực hiện với sự chấp thuận của Châu Tinh Trì, và Union Pictures chịu trách nhiệm phát hành, Hehe Pictures lo chi phí và điều phối hợp tác các kênh và các nguồn lực, đồng thời phát triển vật phẩm ăn theo. Yang nói họ đã làm việc sát sao vì bộ phim và được Châu Tinh Trì đích thân khen ngợi.

Với con số đồn đoán các hợp đồng phát hành đảm bảo doanh thu phòng vé từ 1,8-2 tỉ nhân dân tệ (276,12-306,8 triệu đôla), Yang thừa nhận là có thỏa thuận đó nhưng không tiết lộ con số chính xác vì điều khoản bảo mật của hợp đồng không cho phép.

Thỏa thuận đó đảm bảo Châu Tinh trì và các nhà sản xuất khác sẽ nhận trước một khoản thu ‘khủng’ trước khi doanh thu phòng vé thực sự đạt 2 tỉ nhân dân tệ ở Trung Quốc. Nếu doanh thu thực vượt con số này, các nhà phát hành sẽ được ưu tiên chia phần từ khoản tăng thêm.

Một cảnh trong phim The Mermaid

Mô hình doanh thu vé bảo đảm đã có hơn 10 năm nay. Bộ phim gần đây nhất của Châu Tinh Trì là Journey to the West: Conquering the Demons cũng sử dụng mô hình này. Không chỉ kiểm soát rủi ro, đảm bảo lợi ích của các đối tác sản xuất, mô hình này còn cho các nhà phát hành ưu tiên bỏ vốn cho những phim có khả năng trở thành bom tấn, đồng thời thể hiện sự tự tin của họ đối với thành tích phòng vé của bộ phim đó trong tương lai.

"Tôi có thể khẳng định Hehe Pictures là đối tác chủ chốt của thỏa thuận này và chi trả toàn bộ doanh thu bảo đảm," Yang nói.

Hehe Pictures đã ủng hộ nhiều dự án phim quan trọng theo cách rất âm thầm; tuy nhiên, theo 21st Century Business Herald, Minmetals International Trust Co. Ltd. Mới thực sự là công ty đứng sau Hehe Pictures, nắm giữ 90% cổ phần.

SMI Culture Group Holdings và Enlight Media cũng tham gia vào thỏa thuận doanh thu vé bảo đảm này nhưng họ phải mua phần trong tổng thể doanh thu bảo đảm do Hehe Pictures định đoạt. Việc phát hành phim Mỹ nhân ngư cho thấy các quỹ tín thác đang trở nên năng động trong lĩnh vực điện ảnh.

Một cảnh hậu trường làm phim

Một người trong cuộc nói với China Business News rằng các nhà điều hành của SMI Culture Group và các nhà phát hành khác có rất nhiều buổi họp kín sử dụng mô hình dữ liệu lớn đề nghiên cứu và dự đoán thành tích phòng vé của Mermaid bằng cách đưa vào những yếu tố như số lượng rạp chiếu bộ phim, sức mạnh thương hiệu của êkíp sáng tạo, mùa phim, bằng chứng về những nhóm ‘fan’ lớn và sắp đặt suất chiếu.

"Chúng tôi kết luận rằng Mermaid có thể thu ít nhất 2,65 tỉ nhân dân tệ (406,51 triệu đôla)," nguồn tin trong nghề nói.

Với thỏa thuận doanh thu vé đảm bảo thiết lập sẵn những kỳ vọng cao, Union Pictures khải sát nhiều nhà phát hành phim khác nhau làm nguồn lực để cùng nhau hiện thực hóa thành công phòng vé, bao gồm tổ chức sự kiện, chiến lược quảng bá, lên suất chiếu, phối hợp với các khổng lồ thương mại điện tử khác.

Áp phích phim Mỹ nhân ngư

Hãng cũng nhất trí với Maxtimes Culture rằng họ có thể thuyết phục Châu Tinh Trì chiến lược "hunger marketing" để bảo mật bằng cách không để ai, kể cả quản lý nhà rạp và giới phê bình, được xem trước phim cho đến lúc phim thực sự ra rạp, Cai Yuan, chủ tịch Union Pictures, cho biết.

Nhiều phim hài trước của Châu Tinh Trì chưa từng được chiếu ở Đại lục, nhưng một thế hệ ‘fan’ đã lớn lên cùng với phim của anh từ băng từ VHS, đĩa VCD và DVD, kể cả băng đĩa lậu. Bao năm nay có những khẩu hiệu nổi tiếng trên mạng xã hội kêu gọi "hãy trả lại tiền vé chúng ta nợ Châu Tinh Trì" mỗi khi phim của anh ra rạp.

Nhưng Yue Yang, chủ tịch của Maxtimes Culture, nói họ đặt cược vào những ký ức sâu sắc về các phim của Châu và thương hiệu của chính anh, nhưng họ không bao giờ đưa hoài niệm vào chiến dịch marketing của họ.

"Trong kỷ nguyên này, không ai nợi ai tiền vé cả, chuẩn mực duy nhất là phim có đủ hay không, " Yue nói.

Tuy nhiên, Mermaid không có được lời truyền miệng tốt nhất và sự khen ngợi của giới phê bình đã từng xem phim khác của Châu Tinh Trì.

Song tất cả các bên phối hợp đều khen ngợi rằng lần này rất dễ làm việc với anh. "Không ngờ Châu hợp tác với chúng tôi sâu sắc và vui vẻ đến thế," Yue nói, "Anh biết gặp gỡ và chào đón khán giả là cách đáp lại sự ủng hộ của ‘fan’, nên anh quyết định tham gia rất nhiều chuyến quảng bá".

Hou Tao, phó chủ tịch EntGroup, nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu giải trí hàng đầu của Trung Quốc, nói thành công của Mermaid là nhờ ba lý do chính: thương hiệu của Châu Tinh Trì và êkíp hỗ trợ giỏi, mùa tết đã trở thành điểm bùng nổ của thị trường điện ảnh Trung Quốc, và thiếu sự cạnh tranh.

"Ngoài ra, thời lượng của Mỹ nhân ngư chỉ có 90 phút, cho phép có nhiều suất chiếu trong một ngày," ông nói thêm.

Nhưng sự thần kỳ của Mermaid có lẽ chỉ mới bắt đầu sức mạnh của Trung Quốc. Đây đã trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ nhì thế giới và có hơn 6.000 rạp chiếu với 31.600 màn hình. Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng này, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trở thành thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới. Đến lúc đó, sẽ có nhiều phim tạo ra những thành công phòng vé đình đám hơn nữa.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn