Tin tức

Công nghiệp điện ảnh chuyển từ Hollywood đến châu Á

19/03/2013

Ngành công nghiệp điện ảnh đang ngày càng chuyển sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, gây lo lắng cho trung tâm đầu não của các xưởng phim tại Hollywood. Hai luồng văn hóa này vừa va chạm với nhau tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, mở màn với phim điện ảnh Trung Quốc đầy tính sử thi Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ.

Bà Trịnh tự hào với việc đã mua được một chai rượu vang Bordeaux, Château Lafite, tại một phiên đấu giá ở Hồng Kông. Bà cho biết có lúc bà đã mất bình tĩnh, khi giá đấu chạm mốc 700.000 đô la Hồng Kông (tương đương 67.000 euro hoặc 91.000 đôla Mỹ). "Đột nhiên tôi hét '1,5 triệu!' và chai rượu thuộc về tôi."

Kelly Trịnh là một trong số vài người Trung Quốc mê rượu rất giàu có được khắc họa trong phim tài liệu Red Obsession. Một trong những nhân vật trong bộ phim được chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, hay Berlinale, vừa qua nói: "Người Trung Quốc thích uống văn minh phương Tây."

Bộ phim kể câu chuyện về ngành công nghiệp rượu dịch chuyển tới phương Đông như thế nào. Phim miêu tả những người làm rượu Pháp dũng cảm bảo vệ hầm chứa rượu của mình trước sự tham lam của những người tiêu dùng châu Á. Red Obsession mang đến cho người xem sự mường tượng trước điều cũng có khả năng xảy ra với ngành công nghiệp điện ảnh.

Những người bảo trợ xem một phim 3D IMAX tại rạp chiếu do công ty Dalian Wanda Group điều hành ở Bắc Kinh

Một nghiên cứu của công ty tư vấn–quản lý Ernst & Young dự đoán rằng Trung Quốc sẽ thay thế Bắc Mỹ trong vai trò là thị trường điện ảnh lớn mạnh nhất thế giới vào năm 2020. “Tôi nghĩ điều này sẽ xảy ra trước đó," giám đốc Berlinale Dieter Kosslick cho biết. "Nếu người Trung Quốc mở rộng thị trường của họ, sẽ không có gì kiềm chế được."

Năm nay Kosslick trình chiếu phim điện ảnh đầy tính anh hùng ca của Trung Quốc Nhất đại tông sư là phim mở màn. Đạo diễn phim, Vương Gia Vệ, là chủ tịch hội đồng giám khảo tại Berlinale năm nay. Nhất đại tông sư kể câu chuyện tình yêu của sư phụ võ thuật Diệp Vấn, thầy dạy Lý Tiểu Long.

Công ty Trung Quốc Tesiro, một trong những nhà tài trợ chính của liên hoan này, cung cấp trang sức cho các ngôi sao trên thảm đỏ. Tại thị trường phim Berlinale, nơi các nhà buôn bán trên toàn thế giới đến để mua và bán phim, Kosslick đã đăng ký cho nhiều công ty châu Á hơn hẳn so với năm trước.

Thị trường phim châu Á giành được sức mạnh tài chính

Không chỉ Trung Quốc, mà Hàn Quốc và Nga cũng trở nên quan trọng hơn trong ngành công nghiệp điện ảnh những năm gần đây. Thị trường Nga tăng trưởng gần 20% trong năm 2012, với một phim như Ice Age 4 thu về 50 triệu đôla tại đây, nói cách khác là hơn nửa kinh phí phim.

"Chúng ta không còn có thể mạo hiểm thực hiện một phim kinh phí lớn mà ngôi sao không nổi tiếng tại châu Á," nhà sản xuất Hollywood Jerry Bruckheimer (Pirates of the Caribbean) nói. Trong khi phim Mỹ kiếm về hai phần ba thu nhập tại Bắc Mỹ những năm 1980, thì hiện giờ con số này trung bình chỉ khoảng một phần ba.

Đồng tiền châu Á ngày càng quan trọng với Hollywood

Hollywood đang bị bao vây bởi lo lắng phải bán rẻ, từ khi công ty đầu tư Ấn Độ Reliance giành được phần lớn xưởng phim DreamWorks và một công ty Trung Quốc mua lại chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai tại Mỹ. Cuối cùng, vào giữa tháng 1 công ty điện tử Trung Quốc TLC mua quyền đặt tên của Grauman's Chinese Theater tại trung tâm Hollywood, một trong những rạp chiếu phim nổi tiếng tại Mỹ. Có vẻ như chỉ còn là vấn đề về thời gian trước khi người Trung Quốc mua hãng phim đầu tiên của họ tại Hollywood.

Điều này đã từng diễn ra một lần trước đây, hơn 20 năm trước, châu Á, đặc biệt là những công ty Nhật Bản như Sony, đã mua một lượng lớn các xưởng phim. "Điều Trung Quốc muốn từ Hollywood khác so với điều Nhật Bản muốn hồi đó," chuyên gia các ngành công nghiệp Mỹ Thomas Plate nói. "Tiền bạc là một phần, quan trọng hơn là kiến thức và kinh nghiệm."

Tất nhiên, tiền bạc cũng không phải là vấn đề duy nhất với Hollywood. Mỹ nhìn nhận điện ảnh ở trạng thái nghệ thuật rất riêng của mình, đặc biệt tạo ra để kể với thế giới câu chuyện kiểu Mỹ và ca tụng những giá trị Mỹ. “Chúng tôi vẫn sẽ làm những phim về bóng bầu dục Mỹ trong tương lai," Bruckheimer nói, "nhưng với kinh phí nhỏ hơn rất nhiều. Vì hầu như chỉ có khán giả Mỹ yêu thích bóng bầu dục." Bruckheimer ủng hộ biên kịch của mình suy nghĩ trên bình diện quốc tế và xây dựng những vai diễn cho ngôi sao châu Á trong phim.

Một cảnh trong bộ phim do Đức, Nga và Trung Quốc bỏ vốn sản xuất Cloud Atlas

"Những ngày bạn có thể kiếm nhiều tiền từ điện ảnh với giấc mơ Mỹ không còn nữa," Stefan Arndt của công ty sản xuất Berlin X Filme nói. Arndt đã sản xuất Cloud Atlas, phiên bản điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết của David Mitchell, với những ngôi sao như Tom Hanks và rất nhiều tiền bạc từ Đức, Nga và Trung Quốc. Bộ phim kể sáu câu chuyện song song diễn ra tại sáu thời kỳ khác nhau.

Phim về sự đầu thai và luân hồi linh hồn, "phương diện linh hồn có sự cộng hưởng lớn tại châu Á," Arndt nói. Bởi không xưởng phim Mỹ nào có ý định tài trợ cho một phim với kinh phí 100 triệu đôla, Arndt đem dự án của mình đi hết nước này đến nước khác. "Chúng tôi góp đủ tiền chỉ trong vài tháng."

Đơn vị kiểm duyệt Trung Quốc nhanh tay cắt xén phim

Cloud Atlas đã được chiếu tại Nga, nơi hơn hai triệu người đến xem phim. Con số này gấp đôi số lượng khán giả tại Đức, và không nhỏ hơn số lượng tại Mỹ bao nhiêu. "Bộ phim kể về cuộc chiến đấu vì tự do và tìm kiếm cứu rỗi kinh hồn, điều thu hút khán giả Nga," nhà phân phối Alexander van Dülmen, người đồng sản xuất phim và phân phối phim ở các rạp tại Nga và Đông Âu, cho biết.

Kinh doanh rạp chiếu phim ở Nga khác với ở Mỹ hoặc Đức. "Hầu như mỗi phim có mặt tại rạp chỉ trong hai tuần," van Dülmen cho biết, "đó là lý do tại sao bạn phải tạo nên một sự khuấy động lớn." Trong tuần đầu, Cloud Atlas đã chiếu trên hơn nửa tổng số rạp tại Nga, tiêu tốn 3,5 triệu đô chỉ cho quảng bá. "Đây là một thị trường sinh lợi nhiều nhưng cũng cực nguy hiểm," van Dülmen nói.

Thu hút khán giả đến rạp coi phim là một cuộc chiến thực sự

Cuối tháng 1 vừa rồi, phim này đã có buổi công chiếu thành công tại Trung Quốc, chiếu trên 4.000 rạp tại đây. Nhưng người xem Trung Quốc xem một phiên bản rõ ràng ngắn hơn so với người xem trên toàn thế giới. Cơ quan kiểm duyệt đã cắt 23 phút phim Cloud Atlas.

"Nhân viên kiểm duyệt hầu như nói không với tình dục, nhưng lại cho qua bạo lực," đạo diễn Tom Tykwer nói. "Những phần phim thuyết giáo về cách mạng chống lại một hệ thống đã tồn tại cũng bị chỉnh sửa. Nhưng mọi thứ vẫn chứa đựng trong phần giới thiệu, bao gồm cả những cảnh hôn đồng giới và tình dục. Lạ lùng."

Hoạt động kiểm duyệt các phim phương Tây là điều phổ biến tại Trung Quốc. Ví dụ, những đề cập đến hoạt động mại dâm tại Thượng Hải bị cắt bỏ khỏi phim về người hùng Bond Skyfall, và một cảnh trong đó một sát thủ được thuê giết một người bảo vệ cũng bị cắt. Đơn vị kiểm duyệt Trung Quốc có quyền cầm lên cây kéo nếu vấn đề liên quan đến an ninh trong nước.

Nhà sản xuất Bruckheimer nghĩ sẽ là một ý tưởng tuyệt vời khi mời ngôi sao Hồng Kông Châu Nhuận Phát diễn trong phần phim Pirates of the Caribbean thứ ba. Không may, đơn vị kiểm duyệt tại Bắc Kinh không thích cách mà diễn viên này khắc họa một người đàn ông Trung Quốc lập dị. Họ nhìn nhận nhân vật này như một sự biếm họa và hoàn toàn xóa bỏ nó.

DVD vi phạm bản quyền làm tăng số lượng khán giả Trung Quốc

Kiểu kiểm duyệt này hơi vô nghĩa tại Trung Quốc, bởi hầu hết người Trung Quốc đã quen thuộc với phiên bản chưa chỉnh sửa của những phim phương Tây trước khi chúng xuất hiện tại rạp – từ DVD lậu. Nhiều đĩa DVD này được làm tại Nga. Bất cứ khi nào một phim được trình chiếu tại rạp ở đây, DVD với phụ đề tiếng Trung xuất hiện tại Bắc Kinh trước đó rất lâu.

DVD lậu – câu chuyện kinh niên ở Trung Quốc

Người Trung Quốc xem thử phim trên DVD để quyết định liệu có đáng đến rạp coi phim hay không. Vé xem phim rạp ở Trung Quốc chỉ có tầng lớp trung và thượng lưu mới có thể chịu được. Tính thêm tất cả các khoản phụ thu, vé có thể lên đến 25 đôla mỗi người. Những người ít tiền phải tìm đến DVD. “Ở Trung Quốc, rạp chiếu phim là nơi cho thấy phân biệt xã hội," Rolf Giesen, một chuyên gia phim hoạt họa tại Bắc Kinh, nói.

Điện ảnh tại Trung Quốc gần như hoàn toàn là ngành kinh doanh bom tấn, và những phim trình chiếu diện rộng như Transformers Avatar thể hiện đặc biệt tốt tại đây. Những phim như Lincoln, Argo, và Zero Dark Thirty, liên quan tới lịch sử Mỹ, gần như không có cơ hội – dù có được cho phép nhập khẩu.

Trunng Quốc là một thị trường quy định ngặt nghèo. Tại thời điểm này, mỗi năm chỉ có 34 phim nước ngoài được trình chiếu tại đây. Để vượt qua quy định đó, những nhà sản xuất Mỹ và châu Âu tìm kiếm các đối tác Trung Quốc. Cloud Atlas được chiếu như một phim Trung Quốc, bởi 20% kinh phí là của người Trung Quốc.

Sự sẵn sàng quỵ lụy tính nhạy cảm Trung Quốc của các nhà sản xuất phương Tây bắt đầu gần với việc tự kiểm duyệt. Phim Hollywood Red Dawn vốn là về cuộc xâm chiếm phần lớn Mỹ của quân đội Trung Quốc. Sau khi quay, nhà sản xuất sử dụng thủ thuật số để biến quân Trung Quốc thành Triều Tiên.

Nhất đại tông sư, phim của đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ do Trương Tử Di diễn chính, được chọn
mở màn cho Berlinale lần thứ 63. Vương Gia Vệ cũng được chọn vào ghế chủ tịch ban giám khảo liên hoan này

Có lẽ điều này ổn, vì lý do kinh tế, những nhà làm phim Mỹ không còn dám phỉ báng các quốc gia khác, nhưng nếu Triều Tiên mở cửa với phương Tây, Hollywood sẽ không còn người xấu nữa.

Thị trường châu Á lớn đến mức các xưởng phim đang tìm kiếm các thông tin lưu trữ làm tư liệu sản xuất bản làm lại độc quyền cho thị trường địa phương. Hiện nay đã có một phiên bản Ấn Độ của phim đề tài xã hội đen The Italian Job, cũng như phiên bản Trung Quốc của phim hài lãng mạn What Women Want. Bản làm lại Nhật Bản bộ phim viễn Tây của Clint Eastwood Unforgiven đang trong thời kỳ sản xuất. Phim 'noir' Trung Quốc A Woman, a Gun and a Noodle Shop / Tam thương phách án kinh kỳ, của Trương Nghệ Mưu, được giới thiệu tại Berlinale ba năm trước, dựa trên Blood Simple, phim ra mắt với vai trò đạo diễn của anh em Joel và Ethan Coen. Bản làm lại thu hút tại thị trường Trung Quốc gấp 10 lần bản gốc tại thị trường Mỹ.

Mỗi năm sự thành công của giám đốc liên hoan Dieter Kosslick được đánh giá qua việc ông có thể thu hút phim Hollywood nào đến Berlinale. Điều này rất có thể là chuẩn mực của ngày hôm qua.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Spiegel online


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi