Nhân vật & Sự kiện

Tại sao người xem Trung Quốc không mặn mà những giá trị của Hollywood nữa

13/07/2018

Trở lại hồi tháng 2, điện ảnh Trung Quốc đã lập kỷ lục thế giới về doanh thu hàng tháng chỉ trong một thị trường, ghi đến 10,1 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ USD).

Sau đó, quốc gia này niêm yết doanh thu 20,2 tỉ nhân dân tệ (3,2 tỉ USD), một con số tiến gần tới mức kỷ lục khoảng 3,6 tỉ USD được báo cáo ở Bắc Mỹ trong quí cuối năm ngoái. Nhưng trong khi Trung Quốc đe dọa trở thành phòng vé lớn nhất thế giới, mô hình thương mại mà họ từng tìm cách cạnh tranh — Hollywood — lại đang mất đi sự thống trị tại thị trường Trung Quốc.

Monster Hunt trình chiếu trong một rạp ở Trung Quốc

Khi Trung Quốc ấn định kỷ lục doanh thu hàng tháng mới, các rạp chiếu của họ đầy ắp phim cây nhà lá vườn. Vào tháng 3, các tựa lớn của Hollywood như Black Panther, The Shape of Water, Tomb Raider, Pacific Rim: UprisingReady Player One đều được công chiếu ở Trung Quốc. Không có bất phim lớn nào của Trung Quốc, doanh thu tháng đó là 51,6 tỉ nhân dân tệ chỉ bằng khoảng một nửa số liệu của tháng 2.

Ngay từ năm 2015, các nhà làm phim đã nhận thấy khán giả Trung Quốc chuộng phim trong nước hơn phim Hollywood. Năm đó, chỉ có ba phim bom tấn của Hollywood — Furious 7, Avengers: Age of UltronJurassic World — lọt vào tốp 10 phim được xem nhiều nhất ở Trung Quốc. Kể từ đó, sự ưa chuộng của khán giả cho dành cho phim cây nhà lá vườn chỉ càng trở nên rõ ràng hơn.

Một số nhà bình luận cho rằng sở thích đối với phim trong nước là do chính phủ Trung Quốc điều tiết nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh điện ảnh trong nước thông qua nhiều chính sách mới, bao gồm chặn phim nhập khẩu theo định kỳ trong “tháng bảo hộ phim trong nước”, áp hạn ngạch chặt chẽ về phim nhập khẩu, khởi chiếu trùng với những phim bom tấn trong nước được trông đợi, và những hạn chế đối với các chiến dịch marketing những tựa phim lớn của Hollywood.

Đứng trước áp phích quảng cáo cho Black Panther trong rạp chiếu, một khán giả Trung Quốc trả lời phỏng vấn cảm nghĩ của anh về bộ phim

Nhưng những nhận xét này là cường điệu. Thực tế, hạn ngạch chính thức cho phim nước ngoài đã được nới từ 20 phim thành 34 kể từ năm 2012, một thay đổi chính sách mà từ đó phim Hollywood hưởng lợi nhiều nhất. Các phim bom tấn của Hollywood cũng được phân nhiều suất chiếu hơn và chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ hơn so với các phim nhập khẩu khác. Khi Black Panther công chiếu vào tháng 3, phim này đã được trình chiếu ở hơn 30% rạp chiếu của Trung Quốc trong tuần đầu tiên; tuy nhiên, chỉ có 10% suất chiếu đầy rạp, theo Taopiaopiao, ứng dụng mua vé xem phim khổng lồ của Alibaba.

Khán giả Trung Quốc, chứ không phải chính phủ Trung Quốc, đang từ chối Hollywood. Tại sao chuyện này xảy ra? Thứ nhất, sản xuất phim Trung Quốc đang bắt kịp Hollywood. Việc sản xuất bộ phim chiến tranh Operation Red Sea, được biên tập, biên đạo hành động và hiệu ứng thị giác tinh tế, gần đây đã làm dậy lên so sánh với Black Hawk Down năm 2001, một chuẩn cao trong thể loại này. Tương tự, các phim giả tưởng như loạt phim Monster Hunt so kè với các chuỗi phim siêu anh hùng Marvel và DC.

Tất nhiên, Hollywood vẫn là hàng đầu về năng lực công nghiệp và cơ sở nhân tài: các nhà làm phim Trung Quốc không thể cạnh tranh với ma thuật tay nghề trong Ready Player One của Steven Spielberg. Nhưng cũng không phải điện ảnh Trung Quốc quá xa tầm mức này, vì các hãng phim có tiềm lực tài chính ‘khủng’ và tham vọng để đạt đến đó.

The Shape of Water ra mắt các rạp chiếu Trung Quốc chỉ 10 ngày sau khi đoạt giải Oscar Phim hay nhất, nhưng chỉ mang về 100 triệu nhân dân tệ

Phải thừa nhận rằng, Hollywood không chỉ có hoành tráng; họ cũng sản xuất những bộ phim xuất sắc đích thực. Tuy nhiên, khán giả Trung Quốc dường như không quan tâm đến họ bằng những bộ phim bom tấn vừa kể trên. Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, Manchester by the Sea, La La Land, Darkest Hour — tất cả đều được chiếu ở Trung Quốc, nhưng không phim nào có doanh thu hơn 200 triệu nhân dân tệ. The Shape of Water ra mắt các rạp chiếu Trung Quốc chỉ 10 ngày sau khi đoạt giải Oscar Phim hay nhất, nhưng chỉ mang về 100 triệu nhân dân tệ tương đối đáng thất vọng.

Tất cả điều này cho thấy khán giả Trung Quốc không mặn mà những câu chuyện đó ngay cả những xuất phẩm được khen ngợi nhất của Hollywood. Lấy một vài bộ phim trên làm ví dụ: Three Billboards xoay quanh chiến thắng của một cá nhân trước chính quyền; La La Land về cơ bản là câu chuyện lãng mạn của một cặp đôi theo đuổi danh vọng và sự giàu có cá nhân; và Darkest Hour là một phiên bản được làm lại về phương Tây tự do chiến thắng thế lực độc ác của chủ nghĩa phát xít.

Phép ẩn dụ “Giấc mơ Mỹ” quá sáo mòn này — một ý thức hệ được xây dựng trên thể hiện chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do phương Tây — đơn giản là không quyến rũ đối với khán giả Trung Quốc, những người ngày càng đi theo hình thức khác biệt rõ rệt về niềm tự hào dân tộc.

Người đi xem phim ngắm nhìn áp phích Operation Red Sea ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

Ở Trung Quốc, những ý tưởng về Giấc mơ Mỹ đang lu mờ đi đáng kể khi Giấc mơ Trung Quốc theo phong cách của nước này tạo ra sự giàu có và địa vị ngày càng tăng của một số lượng lớn con người đồng thời phổ biến các giá trị khác: nỗ lực tập thể, lòng yêu nước, và hy sinh vì đại nghiệp của quốc gia.

Những phim Hollywood được giới phê bình khen ngợi — The Shape of WaterMoonlight là hai ví dụ gần đây — thường tập trung vào các xung đột xã hội rộng lớn hơn ở nước Mỹ ngày nay, chẳng hạn căng thẳng chủng tộc, nữ quyền và quyền của cộng đồng LGBT. Nhưng thực tế là không phim nào trong số đó mang lại sự cộng hưởng tương đương ở xã hội Trung Quốc đương đại. Các phép chuyển ngữ như theo đuổi quyền của cá nhân không ăn nhập với đa số người xem Trung Quốc. Những nỗi lo mang tính quốc gia của người Trung Quốc thường tập trung vào khả năng tiếp tục phát triển và hiện đại hóa của đất nước, sự giàu có bền vững cho đa số, và việc bảo vệ và hồi sinh truyền thống trong khi đối mặt với sự phát triển. Khi Trung Quốc đọ sức trên vũ đài thế giới, các nhà làm phim sẽ ngày càng khám phá các lực lượng xung đột với những mục tiêu này vượt ra ngoài biên giới quốc gia, như Wolf Warrior 2, diễn ra ở một quốc gia châu Phi không tên bị chiến tranh tàn phá.

Cho đến khoảng 10 năm trước, chưa có một tập hợp các giá trị quốc gia và văn hóa được phát biểu rõ ràng, những câu chuyện Hollywood và đạo đức mà họ đề cao là khát vọng đối với nhiều người Trung Quốc. Nhưng bây giờ, người Trung Quốc đã chán những điều đó. Làm tốt nhất thì phim Hollywood khiến người Trung Quốc thấy cũng thường thường, còn tệ nhất thì khiến họ thấy chẳng có gì liên quan.

Bảng quảng cáo Wolf Warriors 2 trước một rạp chiếu ở Thượng Hải

Đây không phải để nói rằng người Trung Quốc không đánh giá cao phim hay nhập khẩu. Bộ phim Ấn Độ Dangal, phát hành ở Trung Quốc năm ngoái và kể câu chuyện một người cha đào tạo hai con gái mình môn đấu vật bất chấp sự phản đối của xã hội bảo thủ, là một thành công vang dội vì những mâu thuẫn trung tâm của tác phẩm — chống lại vai trò giới tính quy ước, căng thẳng giữa cha mẹ độc đoán với con cái họ, hy vọng thoát nghèo và bảo toàn phẩm giá của một gia đình — rất quen thuộc và dễ liên hệ.

Kết quả thành công của Dangal, ngày càng có nhiều người Trung Quốc hướng về phim Bollywood. Bộ phim nước ngoài có doanh thu cao nhất trong ba tháng đầu năm 2018 không phải là một tựa lớn của Hollywood, mà là một phim kinh phí thấp của Ấn Độ có tựa là Secret Superstar, khoản thu hoạch ở phòng vé Trung Quốc 760 triệu nhân dân tệ lớn hơn doanh thu ở quê nhà của phim này đến 10 lần. Thực tế, không hề từ chối phim nhập khẩu, người xem Trung Quốc đang kêu gọi mở rộng hạn ngạch hoặc giảm thị phần cho phim Hollywood, nhận ra rằng nhiều lựa chọn thay thế tốt nằm ở Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Trung Đông.

Zaira Wasim (giữa), nữ chính của phim Secret Superstar, cùng đạo diễn (trái) và một ca sĩ tại sự kiện quảng bá cho bộ phim ở Thượng Hải

Tuy nhiên, cho đến lúc đó, hầu hết người Trung Quốc vui vẻ bám chặt những xuất phẩm trong nước mình.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Sixth Tone