Nhân vật & Sự kiện

Stan Lee (1922-2018): Người định hình phim siêu anh hùng hiện đại

14/11/2018

Vào thời điểm Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) trải nghiệm vụ nổ Big Bang của mình với Iron Man năm 2008, Stan Lee đã giải nghệ với nhiệm vụ chính thức tại Marvel từ lâu, bước vào vai trò người cha tinh thần được sùng bái đối với thế giới truyện tranh, gần với một siêu anh hùng bằng xương bằng thịt mà ‘fan’ hy vọng có được.

Nhưng mặc dù Lee không còn tham gia tích cực vào việc lèo lái dàn nhân vật ông đã giúp tạo ra — bao gồm Spider-Man, X-Men, Hulk, Black Panther, Thor và Fantastic Four — di sản là nhà sáng tạo chủ chốt của một thể loại nhanh chóng trở thành thể loại chi phối Hollywood của ông đã được thiết lập vững chắc rồi.

Stan Lee tham dự buổi ra mắt The Avengers của Marvel năm 2012 tại Hollywood, California

Một thập kỷ kể từ khi Iron Man ra mắt, các phim Marvel, phần lớn thể hiện các tác phẩm đồng sáng tạo của Lee, đã thu về tổng cộng hơn 17 tỉ đôla toàn cầu cho Walt Disney — và đó là còn chưa tính đến hàng tỉ đôla thu về bao năm qua của các chuỗi phim Spider-ManX-Men tại Sony Pictures và 20th Century Fox, theo thứ tự tương ứng.

“Cảm ơn Chúa vì Stan Lee đã tạo ra vũ trụ này và những nhân vật tuyệt vời này,” David Maisel, cựu chủ tịch Marvel Studios, nói với Los Angeles Times hôm thứ hai 12/11, khi tin về cái chết của Lee ở tuổi 95 làm thế giới rúng động. “Nếu không có ông, sẽ không có gì cho chúng tôi đưa lên màn ảnh.”

Dưới đây là ba cách Lee đã giúp viết cẩm nang cho phim siêu anh hùng hiện đại — và, bằng cách mở rộng cẩm nang đó, đã tái định hình toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh.

1. Ông làm cho siêu anh hùng có tính đương thời

Cho đến khi Lee xuất hiện, các siêu anh hùng nói chung giống như những vị thần Olympia hơn người bình thường với những vấn đề thường xuyên của con người. Nhưng, bắt đầu từ những năm 1960 với Fantastic Four, Spider-Man và Hulk, Lee và những người đồng sáng tạo Jack Kirby và Steve Ditko đã nhìn ra một cách để thu hút người hâm mộ với những nhân vật, với tất cả siêu năng lực của họ, bị rầy rà rắc rối bởi cùng những thiếu sót, căng thẳng, các vấn đề trong quan hệ và những cơn đau đầu hàng ngày bủa vây tất cả chúng ta.

Như Lee đã nói với Los Angeles Times hồi năm 1984, “Tôi nghĩ, giả sử có một anh chàng, Peter Parker, cũng là Spider-Man và anh ta có thể dính vào tường, và tung lưới nhện, và có sức mạnh của 12 người đàn ông. Chúng tôi nói chỉ vì cậu ấy có thể làm những điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều hoàn hảo trong cuộc sống của cậu ta. Chúng tôi đã tạo ra những siêu anh hùng đầu tiên không hoàn hảo, những người lo lắng về việc trả tiền thuê nhà. Thế mới châm biếm — kỳ ảo trong bối cảnh hiện thực.”

Các siêu anh hùng của Lee sống trong cùng thế giới như chúng ta, có đủ tất cả bệnh tật xã hội, và những nhược điểm của họ khiến người hâm mộ dễ dàng kết nối với họ hơn nhiều. Đó là cách tiếp cận nhân vật tự nhiên hơn — và nhạy cảm hài hước truyện tranh mà Lee mang đến — đã tiếp tục định hình không chỉ những bộ phim của Marvel mà cả những chuỗi phim như The Incredibles. Và thậm chí, có thể lập luận, chất hài không liên quan gì đến áo choàng dơi hoặc bộ đồ bó sát.

Như Seth Rogen đã viết trên Twitter hôm thứ hai 12/11, “Cảm ơn Stan Lee đã làm cho những con người cảm thấy khác biệt nhận ra mình đặc biệt.”

Stan Lee đóng cameo làm người giao hàng “Ngài là ông Tony Stank?” ở cảnh cuối phim Captain America: Civil War (2016)

2. Ông hoàn thiện khái niệm về vũ trụ chung

Lee không tự tay tạo ra khái niệm về các nhân vật khác nhau sống trong cùng một thế giới; Disney đã có một thế giới chung của hoạt hình Chuột Mickey vào những năm 1920, trong khi những quái vật của Universal như Frankenstein và Wolf Man sẽ định kỳ xuất hiện trong các phim của lẫn nhau. Nhưng trước khi Lee xuất hiện, đa phần các nhân vật truyện tranh bị cô lập trong những câu chuyện của riêng họ (với ngoại lệ đáng chú ý là loạt Justice League của DC Comics hợp nhất Batman, Superman, Wonder Woman và các anh hùng khác cho một bộ truyện đặc biệt).

Đã xác định rằng các siêu anh hùng của Marvel chủ yếu sống trong thế giới của chúng ta — nhiều người trong số họ ở quê nhà New York của Lee — với Lee điều đó chỉ có ý nghĩa rằng đôi khi họ sẽ tình cờ chạm mặt trong khu phố. Là quản gia của ông, Marvel đã sản sinh ra một loạt các câu chuyện có liên quan nhau, trong đó tuyến truyện của một nhân vật này có thể tác động đến những người khác và siêu anh hùng có thể hợp sức để chiến đấu chống kẻ thù chung — hoặc, rất thường xuyên, để cãi nhau.

Từ trái sang, Okoye (Danai Gurira), Black Panther (Chadwick Boseman), Captain America (Chris Evans), Black Widow (Scarlet Johansson) và Winter Soldier (Sebastian Stan) trong một cảnh từ Avengers: Infinity War

Mary Ann Halford, một nhà chiến lược về giải trí và truyền thông của OC&C Consulting ở New York, nói khả năng xây dựng một loạt các câu chuyện chồng chéo trên truyện tranh của Lee đã đặt nền tảng cho các bộ phim của Marvel Studios thành công. Mô hình kinh doanh đó đã trở thành lực chi phối không chỉ ở phòng vé mà cả màn ảnh nhỏ nữa, và đã được các hãng phim khác sao chép, với những mức độ thành công khác nhau — đáng chú ý nhất, Warner Bros với các phim DC Comics.

“Ông ấy có thể xây dựng tính kết nối bằng truyện tranh và các nhân vật, và điều đó đã tạo ra một mạng nhện, có lẽ bạn sẽ muốn bảo vậy, cho các bộ phim,” cô nói. Disney sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tầm nhìn xa trông rộng đó với danh sách những phim sắp tới, bao gồm Captain Marvel phát hành tháng 3 và Avengers phần tiếp theo tháng 5. Vũ trụ của nó sắp sử trở nên lớn hơn sau khi Disney đưa những nhân vật X-Men, bao gồm cả Wolverine và Deadpool, vào đó theo hợp đồng 71,3 tỉ đôla mua Fox, hãng sản xuất chuỗi phim X-Men. “Giá trị sẽ còn lớn khủng khiếp, và di sản của ông sẽ sống mãi.”

Stan Lee với người hâm mộ tại Comic Con quốc tế ở San Diego năm 2009

3. Ông là bậc thầy kết nối ‘fan’

Không ai làm việc không mệt mỏi được như Lee để nuôi dưỡng người hâm mộ, ông xuất sắc trong tiếp thị và quảng bá khi tạo ra những nhân vật không thể xóa nhòa. Dưới sự lãnh đạo của Lee, độc giả Marvel Comics trở nên quen thuộc với các diễn viên và biên kịch của công ty, và suốt thập niên 60, Lee đã đứng chuyên trang hàng tháng có tên là “Stan’s Soapbox”, ông thường ký với khẩu hiệu cá nhân của mình, “Excelsior!”

Đến lúc Hollywood bắt đầu sản xuất ồ ạt phim dựa trên nhân vật Marvel, người hâm mộ truyện tranh cảm thấy kết nối với Lee đến mức ông đã trở thành một loại biểu tượng sống, đang hít thở của bản thân đám đông hâm mộ. Lee sẽ tiếp tục xuất hiện trong vai khách mời trong hàng chục bộ phim (người ta sẽ thấy ông vào cuối tháng này, dưới dạng hoạt hình, trong Ralph Breaks the Internet của Disney) và xuất hiện tại vô số các hội nghị như Comic-Con, đối đãi với người hâm mộ như bạn bè lâu rồi ông không gặp.

Stan Lee phát biểu tại Comic-Con 2011

Cho đến ngày nay, tài năng của Lee trong việc nuôi dưỡng cơ sở người hâm mộ của Marvel đã trở thành một mô hình cho mọi bộ phận tiếp thị hãng phim khi nói đến việc quản lý chuỗi phim, siêu anh hùng của mình.

Trong một phỏng vấn với Los Angeles Times năm 2012, Lee đã thể hiện tầm quan trọng của việc duy trì kết nối trực tiếp với người hâm mộ. Theo ông, đó không chỉ đơn giản là làm cho họ cảm thấy vui; đó là một thành phần quan trọng trong việc duy trì thành công của ông.

Trong Spider-Man: Homecoming (2017) Lee đóng vai Gary, ông già giận giữ la mắng Spider-Man ở cửa sổ

“Tôi đã ở trong ngành này rất lâu để hiểu người hâm mộ đến mức, sau khi tung ra bất cứ điều gì, tôi có thể biết ngay rằng chúng tôi có đi đúng hướng hay không trong vòng một vài ngày sau khi nhận được email của người hâm mộ,” ông nói.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times